Hơn 1 năm kể từ ngày virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc, vẫn còn vô số bí ẩn xung quanh sự lây nhiễm của căn bệnh đã khiến gần 2,7 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng này.
Trong báo cáo đầu tiên của Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc LHQ, một nhóm chuyên gia gồm 16 thành viên - được giao nhiệm vụ kiểm tra các ảnh hưởng tiềm tàng về khí tượng và chất lượng không khí đối với sự lây lan của COVID-19 - đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy căn bệnh này sẽ phát triển thành bệnh theo mùa.
Họ chỉ ra rằng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường xảy ra theo mùa, đặc biệt là cao điểm giao mùa Thu - Đông đối với bệnh cúm và cảm lạnh do các chủng virus Corona gây ra ở các vùng khí hậu ôn đới.
Các nghiên cứu mô hình hóa dự đoán sự lây truyền của SARS-CoV-2 có khả năng lặp lại theo mùa theo thời gian. Trướng nhóm Ben Zaitchaik – làm việc tại Đại học John Hopkins (Mỹ) – cho biết các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã cung cấp một số bằng chứng rằng SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn trong thời tiết lạnh, khô và khi có bức xạ tia cực tím thấp.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia khí tượng khẳng định sự lây truyền của chủng virus này hiện nay chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát như đeo khẩu trang và hạn chế đi lại hơn là theo thời tiết.
Do đó, nhóm chuyên gia nhấn mạnh yếu tố thời tiết và khí hậu hiện không thể là điều kiện đủ để các chính phủ nới lỏng biện pháp phòng dịch.