Trong khi thế giới đang nóng lòng chờ đợi kết quả điều tra chính thức về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, Liên hợp quốc (LHQ) tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp và nhiều nước phương Tây lại tỏ thái độ lưỡng lự trước kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Ngày 29/8, các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh) đã nhóm họp theo đề nghị của Nga để thảo luận về tình hình căng thẳng tại Syria trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc một sự can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Nội dung cuộc họp tập trung vào dự thảo nghị quyết do Anh bảo trợ, trong đó kêu gọi "áp dụng các biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân Syria sau vụ tấn công bị nghi ngờ là sử dụng vũ khí hóa học làm hàng trăm người thiệt mạng hồi tuần trước.
Người dân biểu tình phản đối tấn công Syria bên ngoài Nhà Trắng ở Washington, DC (Mỹ) ngày 29/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki- moon cũng đã quyết định rút ngắn chuyến thăm châu Âu và trở về trụ sở tại New York (Mỹ) ngày 29/8 để chuẩn bị nhận báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Dự kiến nhóm thanh sát viên LHQ do Giáo sư Aake Sellstrom dẫn đầu sẽ kết thúc 14 ngày điều tra vào sáng ngày 31/8.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục điều động thêm một tàu khu trục có trang bị tên lửa điều khiển tới vùng biển Địa Trung Hải gần Syria. Hiện tổng số tàu khu trục của Washington tại vùng biển lên đến 5 tàu, trong đó tất cả đều được trang bị đầu đạn tên lửa hạt nhân tầm thấp. Những thông tin gần đây dự đoán Mỹ nhiều khả năng sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự có giới hạn vào Syria, sử dụng tên lửa Tomahawk phóng từ các tàu khu trục.
Cùng ngày, 140 thành viên Hạ viện Mỹ đã đồng ký tên vào một bức thư kêu gọi Tổng thống Barack Obama thực hiện đúng trách nhiệm Tổng thống quy định trong Hiến pháp Mỹ, theo đó thảo luận và chờ sự chấp thuận của Quốc hội trước khi đưa ra quyết định tấn công quân sự Syria. Quốc hội Mỹ, hiện đang trong kỳ nghỉ mùa Hè, sẽ bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 9/9.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố sẽ cân nhắc việc can thiệp vào tình hình Syria dựa vào những thảo luận với các nước đồng minh. Tuy nhiên, sớm ngày 29/8, Nhà Trắng đã có những tuyên bố ám chỉ Washington sẵn sàng đơn phương hành động trong vấn đề Syria.
Phát biểu họp báo, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ sẽ tự tạo lý do hợp pháp để đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nếu cần thiết, một khi Tổng thống Barack Obama quyết định sẽ hành động. Tuy nhiên, ông Earnest nhấn mạnh bất cứ biện pháp đáp trả của Washington nhằm vào Damacus cũng sẽ mang tính hạn chế và dựa trên các lợi ích an ninh quốc gia.
Tuyên bố trên của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang tìm cách lảng tránh vấn đề can dự trực tiếp vào kế hoạch tấn công Syria. Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định nước này ủng hộ lập trường rằng cần can thiệp quân sự vào Syria, nhưng sẽ không tham gia tấn công. Phát biểu sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ trong thời gian gần đây, ông Harper nêu rõ: "Vào thời điểm hiện tại, Chính phủ Canada không có kế hoạch thành lập một phái bộ quân sự".
Trong khi đó, Pháp cũng có thái độ thoái lui, thể hiện qua phát biểu ngày 29/8 của phát ngôn viên chính phủ, bà Najat Vallaud-Belkacem, nhận định rằng cuộc tấn công của các nước phương Tây nhằm đáp trả việc Damacus việc sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường là rất “phức tạp”.
Trước đó, tại phiên bỏ phiếu cùng ngày, Quốc hội Anh cũng đã bác bỏ việc can thiệp quân sự vào Syria.
Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp bất thường ngày 29/8, Quốc hội Cyprus cũng đã phản đối đối việc sử dụng các căn cứ quân sự của Anh trên hòn đảo này để thực hiện các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Động thái trên diễn ra chỉ vài tiếng sau khi chiếc đầu tiên trong số sáu máy bay chiến đấu Typhoon của Anh hạ cánh xuống một căn cứ ở bờ biển phía Nam của Cyprus.
TTXVN/Tin tức