Phát biểu tại cuộc Đối thoại về khí hậu Petersberg, ông Guterres nhấn mạnh lời kêu gọi trên của ông đồng nghĩa một số nước cần tăng ít nhất là gấp đôi các cam kết tài trợ mới nhất của họ cho chống biến đổi khí hậu. Theo Tổng thư ký Guterres, các nước G7 phải tôn trọng cam kết đặt ra từ năm 2009 là dành 100 tỷ USD hằng năm cho các hoạt động vì khí hậu ở các nước đang phát triển. Ông nhận định cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của G7 sẽ là "thời khắc quan trọng" đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đi đầu, cùng với các nước phát triển khác, đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn nữa về tài trợ chống biến đổi khí hậu trong 5 năm tới.
Theo kế hoạch, các thành viên G7 gồm Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, với tổng GDP đạt khoảng 40.000 tỷ USD, gần tương đương 50% nền kinh tế trên toàn cầu, sẽ có cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới. Cho đến nay, mức tài trợ của các nước G7 đã không đạt được mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho hoạt động vì khí hậu ở các nước đang phát triển. Hồi năm ngoái, báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố cho thấy chỉ có 79 tỷ USD được các nước G7 chuyển vào quỹ chống biến đổi khí hậu năm 2018 - con số hằng năm cao nhất tại thời điểm đó.
Vào tháng 11 tới, Anh sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP 26) vào tháng 11 tới ở Glasgow. Tại đây, các nước sẽ thảo luận về một mục tiêu mới trong vấn đề tài chính dành cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu ước tính trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2050, thế giới cần trung bình 3.500 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào năng lượng sạch mới có thể đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.