Theo ông Guterres, các nước trên thế giới cần hợp tác quốc tế hiệu quả hơn và có cách tiếp cận nhân từ hơn trong vấn đề di cư. Theo ông Guterres, điều này đồng nghĩa với việc kiểm soát biên giới nhân đạo hơn, tôn trọng quyền con người và nhu cầu nhân đạo của người nhập cư, đảm bảo họ được bảo vệ trước đại dịch COVID-19. Ngoài việc giúp đỡ người di cư, theo Tổng Thư ký LHQ, thế giới cũng tạo điều kiện cho việc nhập cảnh, giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng di cư, ví dụ như bất bình đẳng và buôn người.
Theo ông Guterres, người di cư tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị lan rộng, bất bình đẳng, bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cao hơn và có ít lựa chọn hơn để tìm kiếm sự hỗ trợ. Ông chỉ rõ khi biên giới đóng cửa, nhiều người di cư bị mắc kẹt trong tình trạng không có thu nhập hoặc chỗ ở, không thể trở về nhà, bị chia cắt với gia đình và tương lai không chắc chắn.
Theo LHQ, có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế trong năm 2020, chiếm 3,6% dân số toàn cầu.
Ngày 18/12/1990, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về Công ước quốc tế bảo vệ quyền người lao động di trú và các thành viên gia đình họ. Do vậy, LHQ cùng với Tổ chức di cư quốc tế đã ấn định ngày 18/12 hằng năm là ngày nhấn mạnh sự đóng góp của người di cư và những thách thức họ phải đối mặt. Ngày Di cư quốc tế năm nay có chủ đề "Khai thác tiềm năng từ hoạt động di chuyển của con người".