Theo bà Espinosa, các xã hội cần phải thích ứng, tăng cường nhận thức về vấn đề này, nếu không sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn đe dọa sự sống của con người và hành tinh Xanh. Trong khi đó, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu cũng đã kêu gọi các nước nhất trí với mục tiêu giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường cùng những cam kết để thực hiện mục tiêu đó. Bà Lynn nhấn mạnh thế giới cần tới quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, những giải pháp nghiêm túc và triệt để để bảo vệ môi trường, làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên - thông qua việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng tới nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn. Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Ba Lan từ ngày 2-14/12 cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
Thế giới đang kỳ vọng COP 24 có thể hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này.Trên thực tế, giảm lượng khí thải trong không khí là giải pháp hữu hiệu nhất để thế giới có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hiện nhiều nước, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra cam kết và triển khai kế hoạch chuyển đổi phương thức sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch được xác định là nguồn gây ô nhiễm nặng nhất, sang các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường như năng lượng Mặt trời, gió và nước. Tuy nhiên, với những nước lâu nay phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than đá, đây được xem là một thách thức vì ngành này tạo ra nhiều việc làm, tiếp nhận một lượng lớn lực lượng lao động.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ than đá phục vụ sản xuất điện năng lớn nhất thế giới, trong khi nước này cũng đang chịu sức ép để cải thiện chất lượng không khí tại khu vực thành thị, dần hướng tới việc sử dụng khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Ba Lan - nước chủ trì COP 24, hiện cũng là một trong những nước phụ thuộc lớn vào than đá và thông qua hội nghị lần này, Vácsava mong muốn lưu ý đến vai trò của nhiên liệu hóa thạch đối với kinh tế nước này.