Liều thuốc giảm đau sau những đòn trả đũa thương mại

Đúng như dự đoán của giới phân tích, vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một phần - chỉ dấu cho thấy thiện chí từ hai phía sau khi cả hai nền kinh tế đều ngấm đòn vì các hành động trả đũa thương mại nhằm vào nhau.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tại vòng đàm phán ở Washington DC, Mỹ, ngày 10/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu những tổn thất kinh tế to lớn từ các biện pháp trừng phạt, còn nông dân Mỹ bất bình với Tổng thống Donald Trump vì nông sản bị tồn đọng không bán được, cả Bắc Kinh và Washington đều cần có giải pháp tình thế, ít nhất là để tạm thời “giảm cơn đau” cho hai nền kinh tế.

Bước vào bàn đàm phán với chủ trương trên, Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận một phần (hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1) nhằm giải quyết những thiệt hại “cấp bách” nhất của hai nền kinh tế. Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua nông sản của Mỹ với lượng hàng trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức chưa đến 20 tỷ USD của năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ là 140 tỷ USD trong năm 2018, như vậy chỉ một mình thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 1/3 con số này.

Đổi lại cử chỉ thiện chí trên chính quyền Mỹ ngừng việc áp thuế 250 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10 tới.

Đối với lĩnh vực tài chính và tiền tệ, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hai bên đã đạt được một số tiến bộ gồm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các dịch vụ tài chính và ngăn chặn việc thao túng đồng Nhân dân tệ. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý "minh bạch hơn" về cách định giá đồng Nhân dân tệ và sẽ mở cửa thị trường cho các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, ông Lighthizer từ chối công bố chi tiết.

Đối với sở hữu trí tuệ, một trong những mấu chốt làm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong thời gian qua, Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh đồng ý tăng cường bảo vệ các tài sản trí tuệ của Mỹ.

Đây là thỏa thuận mang tính nguyên tắc vì văn bản vẫn chưa được soạn thảo. Theo kế hoạch, các chi tiết của thỏa thuận này sẽ được thảo luận trong vòng hai đến ba tuần tới để Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký khi cả hai tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11/2019.

Mặc dù không có văn bản nào được ký kết sau vòng đàm phán này, song kết quả này đang đem lại những hiệu ứng lạc quan đối với cả hai bên vì đây là dấu hiệu cho thấy bất đồng trong vấn đề thương mại đã được thu hẹp, hai bên đang nỗ lực tạo lòng tin để hướng tới các cuộc đàm phán thực chất và hiệu quả trong tương lai gần. Washington và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng thỏa thuận một phần này tạo nền móng cho hai bên tiến tới một thỏa thuận lớn hơn.

Việc Trung Quốc chấp nhận mua thêm nông sản sẽ giúp giảm sức ép đối với hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh Mỹ đã phải chi 12 tỷ USD trong năm 2018 cũng như dự kiến tiêu tốn 16 tỷ USD trong năm 2019 để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Động thái này sẽ giúp cho ông Trump lấy lại sự ủng hộ của nông dân Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2020. Đây là nhóm cử tri đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Chuyên gia kinh tế Gregory Daco của Oxford Economics nhận định thỏa thuận đạt được lần này có thể giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2020 ít thiệt hại hơn đôi chút, với mức giảm 0,5% thay vì giảm 0,6% nếu cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn.  

Về phía Trung Quốc, thỏa thuận "một phần" giúp chính phủ nước này tháo gỡ được những khó khăn kinh tế đang bủa vây kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến thương mại. Những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt như tình trạng các công ty nước ngoài ra đi hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, dòng vốn đầu tư bị thắt chặt, thị trường tài chính không ổn định, tình trạng người lao động phổ thông phải thắt lưng buộc bụng do thất nghiệp, khủng hoảng thiếu thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi tại nước này... có thể được giải quyết trong thời gian tới. 

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện so với dự báo gần đây của các chuyên gia. Giới phân tích nhận định nếu duy trì được đà tích cực của tiến trình đàm phán thương mại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cao hơn mức 6,2% và 6% trong năm 2019 và 2020 mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo.

Tuy nhiên, cho dù có lạc quan, vẫn không thể phủ nhận rằng chặng đường để cả Mỹ và Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn xung đột thương mại vẫn còn rất dài vì vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trước hết, đó là thỏa thuận lần này chưa được văn bản hóa. Điều này cũng có thể đem lại những nguy cơ tiến trình thương lượng điều khoản chi tiết bị kéo dài hơn so với kế hoạch và dẫn đến những cản trở đối với các nỗ lực hàn gắn.

Thứ hai là hai bên đã không thảo luận những vấn đề gai góc nhất trong lần đàm phán này, mà đồng ý để lại trong các giai đoạn đàm phán sau.

Chính quyền Mỹ vẫn chưa từ bỏ kế hoạch áp thuế bổ sung 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới - quyết định có thể không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà còn đối với cả người tiêu dùng tại thị trường Mỹ.
Mâu thuẫn giữa hai bên liên quan đến Huawei được nhận định là rất khó giải quyết vì liên quan đến cả yếu tố an ninh nên đã bị gác lại trong lần đàm phán này.

Những chủ đề gai góc khác như những cáo buộc rằng Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao bí mật thương mại nhằm đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, Mỹ liệt 28 doanh nghiệp và cơ quan Trung Quốc vào "danh sách đen" với lý do vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi, Mỹ hạn chế visa đối với một số quan chức chính quyền, tất cả có thể là những "ngòi nổ" làm bùng phát những tranh cãi cũng như các màn trả đũa lẫn nhau từ hai phía. 

Nhà kinh tế Greg Daco nói rằng thỏa thuận lần này chỉ có “hiệu quả vô cùng nhỏ” vì theo ông cho dù có những tuyên bố “cường điệu” của hai chính quyền song không thể phủ nhận bản chất của nó vẫn chỉ là “thỏa thuận một phần” và “không có tính bền vững” vì thiếu đi một cơ chế vận hành thực sự. Với các doanh nghiệp, thỏa thuận này mang ý nghĩa là giảm chút ít thiệt hại chứ không phải đem lại sự ổn định trên diện rộng.

Tuy nhiên, cho dù vẫn còn khó khăn, không thể phủ nhận đây là một thỏa thuận thành công, cho phép hai nền kinh tế tránh được leo thang xung đột thương mại trong thời gian trước mắt. Có thể nói đây là biện pháp để “hóa giải” những rủi ro kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc và Mỹ, Tổng thống Mỹ giải quyết được tâm lý bất mãn của nông dân, còn Trung Quốc được hoãn bị áp thuế bổ sung trong tháng 10/2019.

Hai nền kinh tế đều ý thức được sự thiệt hại nặng nề mà mỗi bên phải gánh chịu khi trả đũa lẫn nhau. Trong khi chưa thể hóa giải được hoàn toàn những bất đồng sâu sắc, Bắc Kinh và Washington đã chọn giải pháp tháo gỡ trước mắt, để giảm bớt thiệt hại, tạo thêm thời gian, động lực cho cả hai bên tiếp tục tiến trình đàm phán chông gai, tìm ra điểm chung để có thể chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột thương mại đang gây sóng gió đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

BÙI ĐẠI THẮNG (TTXVN)
Tổng thống Donald Trump lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Tổng thống Donald Trump lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lạc quan khi cuộc đàm phán thương mại giữa quan chức Mỹ với Trung Quốc bước sang ngày thứ hai tại Washington. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN