Ông Tom Fowdy, nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế, chuyên về khu vực Đông Á bình luận trên kênh RT (Nga) mới đây rằng, bằng cách vũ khí hóa vị thế của mình trong chuỗi giá trị chất bán dẫn, Mỹ cơ bản sẽ lặp lại hành động mà họ đã thực hiện đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, nhưng lần này nhắm vào một quốc gia. Cấm bất kỳ bên thứ ba nào sử dụng bằng sáng chế chip của Mỹ cung cấp cho Nga sẽ dẫn đến một lệnh cấm vận công nghệ đối với Moskva.
Như trường hợp của Trung Quốc gần đây, Mỹ đã chính trị hóa thị trường bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy Bắc Kinh nỗ lực phát triển ngành công nghiệp và năng lực của riêng mình.
Đến nay có khoảng 400 công ty đã được thêm vào danh sách thực thể chịu sự giám sát của Mỹ - một công cụ được Washington sử dụng để hạn chế thương mại. Những lĩnh vực này bao gồm viễn thông, máy tính, hàng không, công nghệ sinh học, năng lượng hạt nhân... Việc Mỹ áp dụng những hạn chế này đối với một quốc gia có quy mô như Nga sẽ là điều chưa từng có kể từ năm 1991.
Theo ông Fowdy, việc Mỹ tích cực chính trị hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu cũng là kết quả của bối cảnh chính trị thế giới đang thay đổi nhằm duy trì quyền bá chủ đơn phương của mình bằng mọi giá.
Trong hoàn cảnh như vậy, các biện pháp trừng phạt liên qua đến chip bán dẫn nhanh chóng trở thành một công cụ được ưa chuộng ở Washington. Sự độc quyền của Mỹ đối với các công nghệ chiến lược quan trọng này có thể được sử dụng với mục tiêu duy trì lợi thế của mình so với các công nghệ khác.
Do đó, bất kể điều gì xảy ra ở Ukraine, Nga nên chuẩn bị tình huống sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến chất bán dẫn dưới hình thức này hay hình thức khác. Điều này đặt Moskva vào trường hợp tương tự như Bắc Kinh, cần khẩn cấp hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ có xuất xứ từ Mỹ, công nghệ có thể được vũ khí hóa chống lại nước này.
Trong khi Nga có nhiều thế mạnh riêng về công nghệ, kỹ thuật hàng không vũ trụ và quân sự, thì độc quyền bằng sáng chế của Mỹ đối với công nghệ bán dẫn - và các ngành phụ trợ mà nước này đã thiết lập và kiểm soát ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hà Lan - tạo ra một lợi thế chiến lược.
Do đó, điều quan trọng là Nga và Trung Quốc cần hợp tác với nhau trong lĩnh vực này. Hiện nay, hai nước có sự hợp tác ngày càng tăng về công nghệ chiến lược trong một số lĩnh vực, như hàng không, quân sự và vũ trụ, do thách thức mà Mỹ đặt ra. Nhưng chất bán dẫn cũng cần phải có trong danh sách hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh.
Để củng cố hơn nữa vị thế đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, Mỹ đã khuyến khích các công ty chủ chốt xây dựng năng lực tại quê nhà hoặc ở các quốc gia thân thiện. Mới tuần trước, Intel đã công bố mở một nhà máy mới ở bang Ohio, sau khi Mỹ không khuyến khích họ đầu tư vào một nhà máy ở Trung Quốc. Tương tự như vậy, Mỹ đã thúc đẩy TSMC, tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới, xây dựng một nhà máy ở Arizona, cũng như một nhà máy ở Nhật Bản. Rõ ràng là chất bán dẫn không còn là một doanh nghiệp tự do trên toàn cầu, mà là một yếu tố quan trọng mang ý nghĩa địa chính trị.
Mặc dù mục đích của Bắc Kinh chủ yếu là đảm bảo năng lực và nguồn cung cấp cho sự phát triển của chính mình, nhưng họ nên nhận ra rằng các mục tiêu của Trung Quốc sẽ được hỗ trợ tốt hơn bằng cách hợp tác với các nước khác cùng chí hướng. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho Mỹ trong việc loại bỏ Trung Quốc và duy trì sự kiểm soát toàn cầu đối với ngành công nghiệp này.
Theo đó, sẽ là khôn ngoan nếu Bắc Kinh hợp tác với Moskva về chất bán dẫn, như thiết lập các dự án chung để phát triển các bằng sáng chế mới cùng các công nghệ quan trọng khác, tập hợp và chia sẻ kiến thức chuyên môn, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu và học thuật giữa các trường đại học, công ty, tổ chức,...
Việc các công ty liên quan của Trung Quốc đầu tư vào sản xuất và nâng cao năng lực tại Nga cũng sẽ rất hữu ích. Ví dụ, vì Huawei bị cấm sử dụng gần như tất cả công nghệ của Mỹ, họ sẽ có lợi hơn trong hợp tác với Nga - đặc biệt là khi công ty này đang chuẩn bị sản xuất thiết bị sản xuất chip của riêng mình.
Tương tự như vậy, công ty bán dẫn SMIC của Trung Quốc cũng nên xem xét đầu tư tại Nga để thiết lập một chuỗi cung ứng an toàn hơn về mặt chiến lược và giúp xây dựng các ngành công nghiệp trong nước bổ sung lẫn nhau. Trong khi Nga có chuyên môn khoa học lâu năm và Trung Quốc có dân số ngày càng có trình độ học vấn với nguồn tài nguyên dư thừa, sự hợp tác trong lĩnh vực này vừa thiết thực vừa cấp bách.
Tóm lại, môi trường quốc tế thay đổi đã dẫn đến việc chất bán dẫn trở thành vũ khí chính trị được ưa chuộng nhất của Mỹ và Washington cho thấy họ sẵn sàng lợi dụng sự thống trị truyền thống của mình trong lĩnh vực này để tấn công các đối thủ địa chính trị. Hiện Trung Quốc chạy đua để ngăn chặn Mỹ sử dụng lĩnh vực này để kiềm chế họ và tất cả các dấu hiệu cho thấy Mỹ cũng sẽ sử dụng cách tiếp cận tương tự với Nga. Do đó, hai nước cần xây dựng chiến lược và lộ trình chung để giải quyết thách thức trên từ Mỹ.