Bahtiyar Duysak là người đã vô hiệu hóa tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN |
Nhiều người tự hỏi tại sao Twitter lại để xảy ra việc vô hiệu hóa tài khoản của một nhà lãnh đạo thế giới được hàng chục triệu người theo dõi như vậy.
Điều tra được tiến hành. “Thủ phạm” được xác định là Bahtiyar Duysak (28 tuổi) – một nhân viên kỹ thuật làm việc cho Twitter vào thời điểm đó.
Duysak cho biết anh chưa bao giờ nghĩ rằng hành động bốc đồng của mình lại khiến cho tài khoản của Tổng thống Mỹ bị khóa.
Trả lời phỏng vấn CNNTech, Duysak thú nhận mình đã mắc lỗi: “Không phải tôi muốn làm hay lên kế hoạch làm điều đó. Tôi đã không làm tốt công việc, và không kiểm tra lại lần nữa”.
Tuy nhiên, Duysak không tiết lộ chi tiết mình đã làm cách nào để vô hiệu hóa tài khoản Tổng thống. Anh chỉ khẳng định mình không làm điều gì bất hợp pháp.
Duysak cho biết tài khoản của Tổng thống Trump bị một người sử dụng báo cáo, nên anh mới tiếp cận. Chỉ sau khi truyền thông đưa tin chính thức từ Twitter, thông báo rằng một nhân viên đã gỡ tài khoản đó trong ngày cuối cùng làm việc tại đây, anh mới nhận ra mình đã gây ra điều gì.
“Khi thấy chi tiết về nhân viên trong ngày làm việc cuối, tôi biết mình chính là người được nhắc đến trong bài… tôi có chút hoảng sợ”, Duysak nhớ lại.
Chàng thanh niên 28 tuổi này cho biết anh làm việc tại Twitter thông qua một công ty hợp đồng có tên gọi Pro Unlimited. Người phát ngôn của Twitter thông báo công ty không thể đưa ra bình luận trực tiếp về Duysak, cũng như không tiết lộ thêm điều gì để bảo mật thông tin.
Một nguồn tin nắm rõ vấn đề này cũng xác nhận Duysak là người chịu trách nhiệm với hành động “vô hiệu hóa” tài khoản Tổng thống Trump.
Duysak miêu tả ngày hôm đó cũng chỉ là một trong những ngày làm việc bình thường. “Là một ngày mệt mỏi. Bạn đau đầu, mệt. Bạn không phải là cỗ máy. Chỉ là trùng hợp xảy ra lỗi với tài khoản Tổng thống Trump. 100 % tôi không phạm pháp”.
Duysak từng có kinh nghiệm làm cho các công ty kỹ thuật hàng đầu. Anh từng học khoa quản trị kinh doanh tại Đức và tài chính quốc tế ở Anh, trước khi đến Mỹ học tập. Anh hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Đại học California và bắt đầu làm nhân viên hợp đồng cho các công ty kỹ thuật.
Duysak sống tại San Francisco gần hai năm. Mặc dù hợp đồng của anh đến đầu năm 2018 mới hết hạn, song Duysak muốn kết thúc sớm công việc tại Mỹ vào ngày 2/11 – ngày xảy ra sự cố đóng tài khoản kia – để không phải gia hạn visa và trở về Đức với gia đình.
Hiện Duysak đã về Đức. Mặc dù vô tình khóa tài khoản của Tổng thống, song Duysak bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự nghiệp của ông Trump và xin lỗi đã làm một số người bị tổn thương. Anh có ý định dừng việc kỹ thuật và chuyển qua làm ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyện xảy ra với tài khoản Tổng thống Trump lại dấy lên mối lo ngại liệu các nhân viên cả chính thức lẫn hợp đồng ở các công ty như Twitter, Facebook… tiếp cận được ở mức độ nào đối với các tài khoản nhạy cảm và quyền lực.