Theo hãng tin RT, năm ngoái Huawei đã chi 11 tỷ USD để mua các linh kiện từ hàng chục công ty Mỹ, trong đó gồm set chip của Qualcomm, cũng như phần mềm của Microsoft và Google. Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ được cho là sẽ mất khoản doanh thu khổng lồ này một khi chính sách tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc hết hạn vào 20/8 tới.
Trước đó, vào ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ". Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 70 thực thể vào một danh sách đen xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ. Ngay lập tức, một loạt công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Qualcomm, Intel tuyên bố đã cắt đứt mọi thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với Huawei.
Để ngăn không cho lệnh trì hoãn hết hiệu lực, các nhà sản xuất chip lớn của Mỹ như Intel, Qualcomm và Xilinx đã âm thầm vận động hành lang Bộ Thương mại để nới lỏng lệnh cấm Huawei mua linh kiện từ phía các nhà sản xuất Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp cho biết: “Đây không phải là giúp Huawei. Đây là cách để ngăn chặn ảnh hưởng xấu tới các công ty Mỹ”.
Trong khi chi tiết các cuộc vận động hành lang chưa được tiết lộ, Huawei nhấn mạnh không nhờ các đối tác Mỹ đi vận động hộ.
“Họ làm việc đó là do chính ý muốn của bản thân, đối với rất nhiều công ty, Huawei là một trong những khách hàng quan trọng”, ông Andrew Williamson – Phó Giám đốc phụ trách truyền thông Huawei – lý giải. Ông cho rằng việc mất đi thị trường Trung Quốc sẽ mang lại những hậu quả “thảm họa” cho một số công ty Mỹ.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) đã xác nhận có các cuộc họp giữa các nhà sản xuất chip và quan chức chính phủ, bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5. Bộ Thương mại khẳng định các cuộc đàm phán đó không ảnh hưởng đến các hành động thực thi pháp luật.
“Đối với các công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, dường như họ không nên nằm trong phạm vi bị cấm. Chúng tôi đã truyền đạt quan điểm này cho chính phủ”, ông Keith Jimmy Goodrich - Phó Chủ tịch chính sách toàn cầu tại SIA - giải thích.
Huawei nhiều lần bị Chính phủ Mỹ cáo buộc cài đặt “sân sau” trên các sản phẩm của mình, từ đó hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin được gửi và nhận trên thiết bị Huawei. Sáu cơ quan tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này không được sử dụng các thiết bị của Huawei và sau đó, sản phẩm của công ty Trung Quốc đã bị cấm sử dụng trong các căn cứ quân sự Mỹ.
Mỹ tin rằng điện thoại thông minh và thiết bị cho mạng lưới viễn thông của Huawei được chính phủ Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp. Tuy nhiên, Huawei đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc này.