Biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha đã phải đóng cửa từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố hồi giữa tháng 3 nhằm chống dịch bệnh, khiến nền kinh tế "xứ sở bò tót" trì trệ, trong đó lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa đối với người dân khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, song vẫn tiếp tục áp đặt quy định cách ly hai tuần đối với người nhập cảnh và duy trì quy định đóng cửa biên giới trên không và trên biển nhằm ngăn chặn các ca bệnh "nhập khẩu" mới từ nước khác. Các biện pháp cách ly sẽ hết hiệu lực vào ngày 24/5, khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Tuy nhiên, một nguồn tin Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết: "Khi bước vào tình trạng bình thường mới, chúng ta có thể mở cửa biên giới với các nước thuộc khu vực Schengen, chúng ta đang nói đến khả năng mở cửa với các nước này từ đầu tháng 7". Một nguồn tin khác của Bộ trên khẳng định chính phủ không có kế hoạch mở cửa biên giới trước tháng 7.
Nhằm tránh làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới từ bên ngoài, Chính phủ Tây Ban Nha đang cân nhắc cách kiểm soát người từ nước ngoài. Theo hai nguồn tin trên, có mô hình đã được đề xuất, gồm dựng các hành lang y tế, hoặc các yêu cầu kiểm tra y tế. Quan chức trên hy vọng một phần mùa du lịch có thể được "vớt vát" nhờ du khách từ các nước Schengen.
Ngành du lịch của Tây Ban Nha đã thu hút khoảng 80 triệu du khách/năm và đóng góp 12% cho GDP. Ủy ban châu Âu ngày 13/5 cho biết sẽ lập bản hướng dẫn nhằm mở lại hoạt động du lịch trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner ngày 13/5 cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới với Đức cho đến ngày 15/6 dù đã có một số nới lỏng nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của những người thường xuyên phải đi qua biên giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết hiện không có kế hoạch mở lại biên giới với Italy. Tuy nhiên, Chính phủ Áo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế giao thông từ ngày 15/5 và dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Đức từ ngày 15/6 tới.