Nhận định này được đưa ra trong nghiên cứu được nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới - công bố ngày 25/4.
UAE vừa qua đã hứng chịu lượng mưa lớn nhất kể từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949. Mưa lớn đã khiến 4 người thiệt mạng tại UAE, trong khi con số này ở Oman là 21 người. UAE và Oman cũng là các quốc gia sản xuất dầu mỏ đang phải hứng chịu thời tiết nắng nóng cực độ do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra. Nhưng trận lũ lụt tuần trước cho thấy nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan khi hành tinh nóng lên.
Nghiên cứu của WWA đã phân tích dữ liệu lịch sử về thời tiết và các mô hình khí hậu để xác định những thay đổi về các hình thái mưa trong khu vực, trong đó có những năm có hiện tượng thời tiết El Nino. Kết quả cho thấy những cơn mưa cực đoan ít dữ dội hơn đáng kể trong những năm trước khi nhiệt độ cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, trong những năm có hiện tượng thời tiết El Nino, lượng mưa cực lớn đã gia tăng 10-40% ở khu vực bị ảnh hưởng. WWA lưu ý sự nóng lên toàn cầu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch được xem là nguyên nhân có khả năng nhất khiến lượng mưa ngày càng tăng.
Giáo sư Sonia Seneviratne tại trường đại học ETH ở Zurich (Thụy Sĩ), cũng là thành viên của WWA, cho biết lũ lụt ở UAE và Oman đã chỉ ra rằng ngay cả những khu vực khô hạn cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì các đợt mưa, một mối đe dọa ngày càng gia tăng cùng với sự nóng lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, bà Mariam Zachariah, thành viên WWA và là nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Các đợt mưa cực lớn đã gia tăng ít nhất 10% cường độ ở UAE và Oman. Phát hiện này...phù hợp với nguyên lý vật lý cơ bản rằng bầu không khí ấm hơn có thể giữ được nhiều hơi ẩm hơn".