Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi giải tán các cuộc biểu tình mới nhất bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng trong ngày 6/3, các lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục tiến hành các cuộc đột kích trong đêm tại thành phố lớn Yangon.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội tiến hành cuộc chính biến ngày 1/2 vừa qua và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong vòng một năm. Quân đội cũng tiến hành bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Myanmar, sau khi cáo buộc đảng của bà Suu Kyi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày đã làm tắc nghẽn kinh doanh và tê liệt hành chính.
Trong ngày 6/3, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình lẻ tẻ trên khắp Myanmar. Truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ở quận Sanchaung của Yangon, thành phố lớn nhất đất nước. Không có báo cáo về thương vong trong vụ việc.
Theo Reuters, vào đêm muộn 6/3, người dân cho biết binh lính và cảnh sát đã di chuyển vào một số quận của Yangon, nổ súng. Họ đã bắt giữ ít nhất ba người ở thị trấn Kyauktada.
Các binh sĩ cũng truy tìm một luật sư làm việc cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, nhưng không tìm thấy ông này.
Trước đó, các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình làm người thiệt mạng hôm 3/3 vừa qua đã đánh dấu một nấc leo thang căng thẳng mới trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước liên tiếp bày tỏ lo ngại, đồng thời gia tăng sức ép với các bên liên quan.
Xem video người biểu tình Myanmar đụng độ với lực lượng an ninh ngày 3/3 (Nguồn: Reuters)
Ngày 5/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần thứ hai họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Christine Schraner Burgener.
Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Đại diện các nước đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và các nước thành viên, đồng thời bày tỏ mong muốn hiệp hội tiếp tục đóng góp tích cực hơn để sớm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề Myanmar.
Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam theo dõi sát sao và rất lo ngại về những diễn biến hiện nay tại Myanmar, đặc biệt là tình hình bạo lực và căng thẳng leo thang, gây ra thương vong ngày càng lớn cho dân thường, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển của Myanmar cũng như toàn khu vực.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tiếp tục các nỗ lực cứu trợ nhân đạo; thu hẹp bất đồng giữa các bên liên quan ở Myanmar, thông qua các nỗ lực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar và khuyến khích sự phối hợp hơn nữa giữa Đặc phái viên với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm là người dân là điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Việt Nam ủng tất cả các nỗ lực hướng tới mục tiêu này vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình và ổn định của khu vực.