Trong một thông cáo báo chí, CNSP tuyên bố tất cả các biện pháp an ninh đã được thực hiện "để đảm bảo lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân".
Trước đó, chỉ vài giờ sau khi tiến hành vụ binh biến ngày 18/8 buộc Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức, CNSP thông báo áp đặt một loạt biện pháp, trong đó có đóng cửa ngay lập tức biên giới trên bộ và trên không của Mali.
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã lên án vụ đảo chính tại Mali lật đổ chính phủ của Tổng thống được bầu Ibrahim Boubacar Keita, theo đó, tối 18/8 ECOWAS quyết định đóng cửa tất cả biên giới trên bộ và trên không của các nước thành viên với Mali, cũng như dừng tất cả các giao dịch thương mại và tài chính với Mali cho đến khi trật tự hiến pháp được khôi phục tại nước này.
Sau khi các quốc gia láng giềng Tây Phi tuyên bố sẽ cử phái viên tới Mali để đảm bảo nước này "ngay lập tức trở lại trật tự hiến pháp" và kêu gọi phục chức cho Tổng thống Keita, CNSP tuyên bố một "tổng thống chuyển tiếp" sẽ được lựa chọn từ hàng ngũ quân đội hoặc dân sự.
Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai. Mặc dù ECOWAS, Liên minh châu Phi (AU) và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian hòa giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang, song tình hình Mali tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngày 18/8 vừa qua, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội.
CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Phong trào đối lập M5-RFP phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Ngày 19/8, M5-RFP tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị.
Các tổ chức AU, Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp... đều lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ.