Trong báo cáo cập nhật hằng năm về phát thải, IEA nêu rõ lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trong năm 2023 tăng 410 triệu tấn so với năm trước đó, lên mức cao kỷ lục 37,4 tỷ tấn. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 490 triệu tấn ghi nhận năm 2022.
Theo IEA, đây là kết quả tích cực của những nỗ lực tăng cường công nghệ sạch, trong đó có tấm pin Mặt Trời, tuabin gió, năng lượng hạt nhân hay ô tô điện. Nếu không có các công nghệ trên, mức tăng lượng phát thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trên toàn cầu trong 5 năm qua sẽ cao gấp 3 lần so với con số 900 triệu tấn đã ghi nhận.
Theo báo cáo, hơn 40% lượng khí thải carbon liên quan đến ngành năng lượng tăng lên trong năm 2023 là do hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và các nước vốn phải cắt giảm sản lượng thủy điện và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu không xảy ra tình trạng thiếu nước, lượng khí thải carbon toàn cầu từ sản xuất điện sẽ giảm.
Trong khi lượng phát thải carbon tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, song các nước công nghiệp tiên tiến ghi nhận mức giảm kỷ lục, ngay cả khi nền kinh tế của họ ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, lượng khí thải tại các quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, do nhu cầu than giảm chưa từng thấy kể từ những năm đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, báo cáo cho biết năm 2023 là năm đầu tiên ghi nhận ít nhất 50% năng lượng được tạo ra ở các nền kinh tế tiên tiến đến từ các nguồn phát thải thấp như năng lượng tái tạo và hạt nhân. Tại Trung Quốc, mặc dù lượng khí thải tăng, mức tăng công suất điện Mặt Trời của quốc gia này trong năm 2023 bằng mức tăng của toàn thế giới trong năm 2022.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã trải qua một loạt thử thách trong 5 năm qua và đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Ông Birol đánh giá: "Một đại dịch, một cuộc khủng hoảng năng lượng hay bất ổn địa chính trị đều có thể làm chệch hướng nỗ lực xây dựng hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến điều ngược lại ở nhiều nền kinh tế".