Theo hãng tin Reuters, đây là điểm đặc biệt gây chú ý vì từ này chỉ được nhắc tới một lần trong các cuộc họp báo khác kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm ngoái.
Vậy thiểu phát là gì và tại sao Fed lại mong muốn đạt thiểu phát?
Lạm phát
Để hiểu về thiểu phát, trước hết cần hiểu lạm phát theo định nghĩa của các ngân hàng trung ương là gì. Lạm phát là tình trạng nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng giá.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có xu hướng giữ mục tiêu lạm phát hàng năm ở mức 2% (Fed chính thức áp dụng mục tiêu 2% vào năm 2012). Điều đó không có nghĩa là giá của mọi thứ đều tăng 2%. Trong thực tế, một số mặt hàng có thể tăng mạnh hơn và những mặt hàng khác thậm chí có thể giảm giá.
Nhưng nếu nhìn chung, một hộ gia đình điển hình đang tiêu dùng tương đương với năm ngoái và chỉ phải trả thêm 2%, thì mức tăng đó đủ thấp để họ không phải lo lắng nhiều trong kế hoạch chi tiêu hàng ngày của mình. Mức này cũng đủ cao để giúp cho các ngân hàng trung ương có khả năng chống chọi với suy thoái kinh tế thông qua cắt giảm lãi suất.
Khi lạm phát cao hơn mức 2%, đó là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế, không chỉ vì người dân và doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng mà họ mua hàng ngày, mà còn vì tỷ lệ cao hơn 2% có thể trở thành một vòng luẩn quẩn. Người lao động nhận thấy rằng giá cả cao hơn trong khi tiền lương lại không tăng tương ứng, vì vậy họ yêu cầu được trả lương cao hơn. Khi trả lương cao hơn cho người lao động thì các doanh nghiệp phải bù vào bằng cách tăng giá hàng hóa. Điều này sau đó lại càng làm căng thẳng và gây áp lực tăng lương.
Để giải quyết vấn đề đó, ngân hàng trung ương tăng lãi suất, khiến cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, hạn chế chi tiêu và cuối cùng là hạn chế lạm phát. Đó là những gì Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đang làm ngay bây giờ.
Thiểu phát
Hiện lạm phát theo thước đo của Fed (chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - PCE) đang ở mức khoảng 5%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, mặc dù đã giảm so với mức cao nhất là 7% vào tháng 6 năm ngoái.
Lạm phát giảm trong một khoảng thời gian như vậy được gọi là thiểu phát. Ông Powell đã gọi thiểu phát là một tiến trình đáng mừng và là một dấu hiệu cho thấy quá trình tăng lãi suất mạnh của Fed đang phát huy tác dụng.
Trong thực tế, giá một số mặt hàng vẫn đang tăng vọt. Tính theo năm, giá trứng ở Mỹ đã tăng 254% vào tháng trước, do dịch cúm gia cầm làm gián đoạn nguồn cung gà toàn cầu. Giá trang sức tăng 54%.
Nhưng nhìn chung, giá hàng hóa đang giảm. Giá nhạc cụ giảm 12% vào tháng 1 so với tháng 12/2022l; giá ô tô đã qua sử dụng giảm 27%. Hàng hóa chiếm khoảng 1/4 thước đo lạm phát của Fed.
Giá nhà ở, cũng chiếm khoảng 1/4 thước đo trong chỉ số giá PCE, vẫn đang tăng, nhưng lãi suất cao hơn đang tác động đến nhu cầu.
Tuy nhiên, quá trình thiểu phát trong các dịch vụ cốt lõi không bao gồm nhà ở (chỉ chiếm hơn một nửa tổng lạm phát) vẫn chưa bắt đầu. Ông Powell cho biết tỷ lệ đang ở mức ổn định 4%, ở dưới mức thiểu phát chung. Ví dụ, vé máy bay đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1.
Phần lạm phát này phần lớn do tiền lương, mặc dù ông Powell cho biết vẫn chưa rõ thị trường lao động sẽ cần giảm bao nhiêu và bao nhiêu người có thể phải mất việc thì mới có thiểu phát.
Một số nhà kinh tế, như người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, cho rằng lạm phát của Mỹ là do phía cung và nói Fed tăng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu mong manh vào suy thoái, ảnh hưởng đến những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Nhiều nhà kinh tế đang dự đoán Mỹ sẽ xảy ra suy thoái trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,5%, sẽ tăng lên. Dù vậy, chưa rõ mức độ nghiêm trọng của suy thoái và thất nghiệp.
Ông Powell cho biết: “Trường hợp cơ bản của tôi là nền kinh tế có thể quay trở lại mức lạm phát 2% mà không có suy thoái thực sự nghiêm trọng hoặc không tăng nhiều tỷ lệ thất nghiệp. Thật tốt là tình trạng thiểu phát mà chúng ta chứng kiến cho đến nay không khiến thị trường lao động yếu hơn”.
Thiểu phát không phải lúc nào cũng được hoan nghênh
Thiểu phát không phải lúc nào cũng tích cực. Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan đã có một cảnh báo nổi tiếng vào năm 2003 rằng với mức lạm phát thấp, ở mức 1,8%, thiểu phát hơn nữa sẽ là một diễn biến không mong muốn. Ngay sau đó, Fed đã cắt giảm lãi suất để ngăn thiểu phát trở thành vấn đề lớn hơn là giảm phát – tức là sụt giảm hoàn toàn về giá cả nói chung.
Giá giảm có xu hướng làm suy yếu sức mạnh kinh tế, như các hộ gia đình ngừng mua hàng khi biết rằng họ có thể mua với giá tốt hơn nếu họ chờ đợi, điều này làm giảm chi tiêu và có thể làm giảm giá sâu hơn.
Nhưng hiện nay, khi lạm phát cao, đó là điều mà Fed muốn. Ông Powell nói: “Tôi nghĩ, giờ đây chúng ta có thể nói rằng, lần đầu tiên, quá trình thiểu phát đã bắt đầu. Thật đáng hoan nghênh khi có thể nói rằng chúng ta hiện đang trong tình trạng thiểu phát”.