Ngoại trưởng Ecuador José Valencia và Bộ trưởng Nội vụ María Paula Romo cùng cáo buộc ông Assange đã vô tư lái xe máy trong hành lang diện tích khiêm tốn thuộc đại sứ quán, chế nhạo nhân viên nơi đây, bật nhạc to trong nhiều giờ...
Nhưng kênh CNN (Mỹ) cho rằng nguyên nhân thực sự khiến đại sứ quán Ecuador trục xuất vị "khách trọ" 7 năm lại phức tạp hơn những điều được công bố.
Trong nhiều tháng, ông Assange quyết tìm cách kiện chính phủ Ecuador, cáo buộc Quito vi phạm nhân quyền của ông khi áp đặt thêm nhiều quy định khắt khe cho việc sống trong đại sứ quán.
Quito trên thực tế “nóng mắt” với việc ông Assange ủng hộ phong trào đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha của Catalonia. Bộ Ngoại giao Ecuador yêu cầu ông Assange hạn chế các phát ngôn có thể tác động xấu đến mối quan hệ của Quito và các quốc gia khác, trong đó có Tây Ban Nha.
Một động thái khác được cho thêm “đổ dầu vào lửa” là ngày 25/3, WikiLeaks đăng nội dung trên mạng xã hội Twitter gây chú ý trực tiếp đến Tổng thống Ecuador Lenin Moreno. Nội dung này có kết nối với trang web ẩn danh đăng nhiều thư điện tử, tin nhắn và nhiều tài liệu khác về đời tư của Tổng thống Moreno.
Chính phủ Ecuador đổ trách nhiệm lên WikiLeaks. Trong khi đó, WikiLeaks phủ nhận cáo buộc. Ngày 2/4, Tổng thống Moreno tuyên bố trên đài phát thanh: “Ông Assange không có quyền đột nhập điện thoại hoặc tài khoản cá nhân của người khác”.
Mối quan hệ giữa ông Assange và chính phủ Ecuador thêm phần xấu đi vào ngày 10/4 khi WikiLeaks tổ chức họp báo khẳng định đã phát hiện thiết bị gián điệp ông Assange lắp đặt trong đại sứ quán tại London.
Tổng biên tập WikiLeaks là Kristinn Hrafnsson nói rằng Ecuador đã ghi âm và ghi hình các hoạt động của ông Assange tại đại sứ quán trong đó có khám sức khỏe và gặp gỡ các đại diện pháp lý.
Sau đó, cảnh sát Anh bắt ông Assange và cùng ngày 11/4, Tổng thống Moreno tuyên bố: “Từ bây giờ, chúng ta sẽ cẩn trọng hơn trong việc cấp quy chế tị nạn cho những người thực sự xứng đáng chứ không phải các tin tặc chỉ có mục tiêu gây bất ổn các chính phủ”.