Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu “thoái trào” tại Mỹ, trong khi các tiểu bang đang triển khai xoá bỏ những biện pháp phòng dịch cuối cùng. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế đang kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy tận dụng khoảng thời gian tạm lắng này để chuẩn bị cho những đợt bùng phát trong tương lai.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ gần đây đã công bố các hướng dẫn mới để đánh giá rủi ro cộng đồng, chuyển trọng tâm từ các ca mắc sang số ca nhập viện.
Theo CDC, hơn 90% các khu vực ở quốc gia này hiện có nguy cơ thấp bị quá tải hệ thống y tế. Do vậy, hầu hết các bang và thành phố đã dỡ bỏ hoặc đã thông báo về kế hoạch dỡ bỏ quy định về đeo khẩu trang và yêu cầu tiêm chủng.
Thế nhưng, với chỉ 65% dân số được tiêm chủng đầy đủ, biến thể Omicron đã tấn công mạnh mẽ vào nước Mỹ trong những tháng qua. Hiện trung bình quốc gia này ghi nhận 54.000 ca mắc và 1.300 ca tử vong mỗi ngày.
Báo Guardian (Anh) dẫn lời ông Abraar Karan, Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho biết các ca bệnh và số ca nhập viện đang giảm nhanh và khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm. Phần lớn dân số đã có kháng thể chống lại COVID-19 nhờ tiêm vaccine hoặc bị lây nhiễm trước đó.
Theo ông Karan, ngay cả khi các biện pháp hạn chế bị dỡ bỏ, số ca mắc sẽ không tăng đột biến. Nhưng ông lại lo lắng điều đó có thể khiến công chúng và giới chức Mỹ nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc.
Tiến sĩ Karan tin rằng các chính quyền địa phương nên tận dụng khoảng thời gian tạm lắng này để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt bùng phát mới cũng như các biến thể nguy hiểm khác trong tương lai.
“Một khi biến thể khác xuất hiện, có thể là bất cứ khi nào, mức độ lây lan của nó đó sẽ phụ thuộc vào cách chuẩn bị của chúng ta hiện tại. Chúng ta đang làm gì để trường học, nơi làm việc và không gian công cộng an toàn hơn?”, ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định Mỹ nên tiếp tục đầu tư vào khẩu trang, xét nghiệm, hệ thống thông gió, tiêm chủng, giám sát nước thải và các biện pháp khác để ngăn ngừa và ứng phó với đợt bùng phát tiếp theo. Và khi làn sóng tiếp theo bắt đầu dấy lên, các cộng đồng nên cẩn trọng chú ý đến sự thay đổi về mức độ rủi ro.
Jason Salemi, Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Nam Florida nói: “Chúng ta cần phải tính đến những yếu tố bất ngờ của dịch COVID-19”.
Ông cho rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, một đợt bùng phát khác có thể gây thiệt hại nặng nề cho nước Mỹ, đồng thời lặp lại tình huống khan hiếm vaccine, khẩu trang hay dụng cụ xét nghiệm gây choáng ngợp cho cả người dân và chính quyền. Đó là lý do tại sao việc phòng ngừa và chuẩn bị ngay từ bây giờ là rất quan trọng.
Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp phòng ngừa trong suốt đại dịch như đeo khẩu trang tại các tòa nhà liên bang, trên phương tiện giao thông công cộng cùn với một số hạn chế về việc du lịch quốc tế. Hiện nay, mức độ phản ứng đối đại dịch đã giảm xuống các địa phượng, tạo ra một bộ quy tắc thiếu nhất quán.
Các thành phố như New York, Chicago và Washington đang dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà và chứng nhận tiêm chủng. Thành phố đông dân nhất nước Mỹ đã bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà từ cuối tháng 2 đối với những người đã tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Atlanta và New Orleans cũng đã thực hiện động thái tương tự. Vào ngày 26/3, Hawaii sẽ chấm dứt yêu cầu du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc cách ly y tế khi đến đây.
CDC cho biết các doanh nghiệp vẫn có thể yêu cầu khẩu trang và chứng nhận tiêm chủng nếu thấy cần thiết, cũng như khuyến cáo các cá nhân nên đeo khẩu trang nếu họ có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc khi đến bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Những người có kết quả dương tính nên tiếp tục đeo khẩu trang. CDC vẫn đang xem xét lại các quy định về việc đeo khẩu trang của liên bang.