Đoạn cuối trong báo cáo 20 trang của nhóm điều tra LHQ nhấn mạnh: “Có đủ bằng chứng để mở cuộc điều tra và khởi tố các chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang Myanmar. Từ đó, một tòa án có thẩm quyền sẽ ra phán quyết về trách nhiệm pháp lý của những quan chức quân đội này đối với tình hình ở bang Rakhine”.
Nhóm điều tra của LHQ còn chỉ đích danh Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing và 5 vị tướng khác cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhóm điều tra viên LHQ, được thành lập từ năm 2017, đã phỏng vấn 875 nạn nhân, nhân chứng người sắc tộc thiểu số Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh và nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, các điều tra viên cũng phân tích nhiều tài liệu, video, hình ảnh liên quan tới nghi vấn quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya.
Bản báo cáo của điều tra viên LHQ đã được chuyển đến Chính phủ Myanmar. Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin chính phủ và quân đội Myanmar chưa đưa ra phản hồi về diễn biến mới này.
Rohingya là nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi sinh sống ở đất nước Myanmar trong nhiều thế kỷ. Theo Al Jazeera, có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sống tại Myanmar, chủ yếu tập trung tại bang miền Tây Rakhine.
Chính phủ Myanmar từ chối công nhận người Rohingya là công dân nước này, thay vào đó coi họ là người gốc Bangladesh. Người Rohingya không được xếp vào danh sách 135 nhóm sắc tộc chính thức tại Myanmar.
Liên hợp quốc cho biết kể từ ngày 25/8/2017, khoảng 700.000 người Rohingya tại Myanmar đã trốn chạy đến biên giới Bangladesh do quân đội Myanmar siết chặt an ninh sau khi một căn cứ quân sự và cơ sở cảnh sát bị tấn công bởi nhóm Đội quân cứu thế Arakan Rohingya (ARSA).
Hồi tháng 6 vừa qua, Canada phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt trừng phạt 7 tướng lĩnh của Myanmar mà Ottawa và Brussels cho là có liên quan đến các hành động vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya tại bang Rakhine. Theo đó, 5 tướng quân đội, 1 chỉ huy lực lượng biên phòng và 1 chỉ huy cảnh sát bị áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản.