Chuyên gia tư vấn đầu tư Vineyards-Bordeaux chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) rằng trong nhiều năm Pháp đã trở thành “điểm nóng” và các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua khoảng 175 bất động sản liên quan đến rượu vang tại Bordeaux từ năm 2010.
Theo thống kê của Chính phủ Pháp, mỗi năm có khoảng 25 đến 35 vườn nho được “sang tay” với mức giá từ 1 triệu euro cho tới hàng chục triệu euro.
Michael Baynes, người thành lập công ty chuyên buôn bán vườn nho Vineyards-Bordeau (Pháp), chia sẻ có 3 nhóm đầu tư chính: những người vốn kinh doanh trong lĩnh vực rượu vang và muốn kiểm soát nguồn cung sản phẩm; những người nhận thấy Trung Quốc là thị trường lớn về nhu cầu rượu và cuối cùng là những cá nhân yêu thích rượu vang và muốn sở hữu cả vườn nho.
Ông Baynes nói: “Vùng Bordeaux đã sản xuất rượu vang trong hơn 2.000 năm. Từ nhiều thế kỷ qua, vùng này chào đón các nhà đầu tư và những người yêu rượu. Tôi chắc chắn rằng điều này sẽ duy trì trong nhiều thế kỷ tới. Và Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong tương lai này”.
Công ty bất động sản Savills (Anh) cho biết chỉ cần 3 ha để trồng nho cũng có thể đem lại lợi nhuận. Trên thực tế, việc thu hoạch nho thường bị tác động mạnh bởi thời tiết theo từng năm. Ví dụ trong những năm thu hoạch thấp là 2008 và 2012.
Nhưng năm 2018 với nhiệt độ cao kỷ lục vào mùa hè lại đem lại điều kiện gần như hoàn hảo cho các nhà sản xuất rượu vang tại Anh. Nho đạt được cả tiêu chí về lượng và chất đã được chuyển hóa thành 15,6 triệu chai rượu.
Trước thực trạng nhiều vườn nho Bordeaux và đất nông nghiệp tại "đất nước hình lục lăng" rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, người dân Pháp bắt đầu ý thức tự tạo “hàng rào bảo vệ”.
Từ năm 2018 đã xuất hiện nhiều tít báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng như: “Cánh đồng Pháp trên chiếc đĩa Trung Quốc”, “Khi Trung Quốc tham gia cuộc đua mua nông trại Pháp”, “Trung Quốc chinh phục đất nông trại Pháp”. Tháng 9/2018, tại Indre, Normandy và Brittany diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc mua nhiều đất nông nghiệp Pháp.
Từ năm 2016, việc tập đoàn Reward Trung Quốc mua 1.700 ha đất nông nghiệp trồng lúa mì, lúa mạch đã trở thành nội dung tít hàng đầu trên báo chí Pháp. Thương vụ này nằm trong kế hoạch của tỷ phú người Trung Quốc Hu Keqin sản xuất lúa mì hữu cơ cho thị trường Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết tính đến nay tập đoàn Reward đã sở hữu gần 3.000 ha đất nông nghiệp tại Pháp.
Tập đoàn Reward đăng tải trên trang web chính thức khẳng định đã mua 8 nông trại tại Pháp, hợp tác với các hiệp hội nông nghiệp Pháp, thành lập chuỗi công nghiệp hoàn thiện về hợp tác nông nghiệp.
Tạp chí Challenges (Pháp) đưa tin trong khi đó nhiều tập đoàn khác tại Trung Quốc đang kỳ vọng hiện diện tại vùng nông thôn Pháp để sản xuất bột mì với nhãn “Made in France”.
Các nhà đầu tư Trung Quốc lại hưởng lợi từ lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện để họ không chỉ dừng lại ở việc mua đất nông nghiệp mà trong trường hợp ở tỉnh Infre là nắm cả 98% cổ phần công ty sở hữu mảnh đất đó.
Trong tháng 2/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ có quy định để ngăn tình trạng mua bán như vậy.
Tờ La Dépêche (Pháp) trong khi đó nhấn mạnh số tiền nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra để mua đất còn cao hơn gấp 2 đến 3 lần giá thị trường tính trên mỗi ha. Điều này càng gây khó khăn để chính người Pháp cạnh tranh khi mua đất nông nghiệp.
Vấn đề này không chỉ khiến người nông dân Pháp giận dữ mà cả công chúng quốc gia này cũng vậy.
Tuy nhiên, không chỉ diễn ra tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng rót vốn mua đất nông nghiệp để trồng đậu tương tại Brazil, dầu cọ ở Congo.
Chính người nông dân Pháp cũng phải thừa nhận đây là vấn đề mang tính quốc tế. Nông dân có tên Pinatel sống tại tỉnh Indre chia sẻ: “Điều này cũng tương tự như việc khi người Pháp mua đất tại Romania”.