Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã gặp người đồng cấp Iraq Fuad Hussein tại Iraq. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức Ukraine tới Baghdad kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, và là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Ukraine sau 11 năm.
Trong cuộc họp báo vào ngày 17/4, Ngoại trưởng Hussein cho biết nước này có nhiều năm trải qua chiến tranh và xung đột, cũng như có kinh nghiệm tổ chức các cuộc đàm phán giữa các quốc gia có căng thẳng – chẳng hạn như các cuộc đàm phán Saudi Arabia và Iran gần đây. Ông bày tỏ Baghdad “sẵn sàng phục vụ hòa bình” và đề xuất nước này làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
“Tiếp diễn xung đột sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho hai nước mà còn cho cả thế giới”, ông nói.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kuleba khẳng định lập trường của Kiev rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, trừ khi Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Ông cho biết Ukraine coi Iraq là quốc gia “có khả năng làm cầu nối”, nhưng Nga đang ở thế tiến công và đây là trở ngại lớn nhất trên con đường dẫn tới hòa bình.
“Chúng tôi cần Nga đồng ý thực tế đơn giản rằng họ phải ngừng chiến sự và rút quân”, ông Kuleba nói.
Dù từ chối lời đề nghị hòa giải của Baghdad, Ngoại trưởng Kuleba cho biết Ukraine hy vọng sẽ tăng cường quan hệ với Iraq và chuyến thăm của ông là một phần trong nỗ lực “tái tạo quan hệ Ukraine - Iraq”.
Iraq, cũng như phần lớn quốc gia Trung Đông, có lịch sử phụ thuộc rất lớn vào ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, người tiêu dùng nước này phải hứng chịu giá lương thực tăng vọt.
Chính phủ Iraq hiện cũng được coi là thân cận với Iran, quốc gia mà Mỹ đã cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Iran đã thừa nhận gửi máy bay không người lái tới Nga nhưng nói rằng hoạt động này đã diễn ra trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Iraq cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực tài chính của nước này.
Nga và Ukraine đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột, nhưng các cuộc hòa đàm đã bị đình trệ kể từ cuối tháng 3 năm ngoái. Hồi đầu tháng 4, Điện Kremlin cho biết Nga không nhận thấy triển vọng cho giải pháp chính trị nào do tình hình Ukraine đang rất phức tạp.
Nêu điều kiện đàm phán, Điện Kremlin muốn Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với bản đảo Crimea đã sáp nhập nước này vào năm 2014, đồng thời công nhận việc sáp nhập các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 9/2022.
Về phần mình, Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu trên. Bình luận triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột, Ukraine cho rằng trước tiên Nga phải đáp ứng những điều kiện của Kiev. Các điều kiện này gồm rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế, bồi thường thiệt hại và cuối cùng là Ukraine có được cam kết an ninh của các bên.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kiev không nhận thấy có bất kỳ hoàn cảnh nào để trao đổi với Tổng thống Nga. Tổng thống Zelensky nói rằng ông sẽ không gặp Tổng thống Putin cho đến khi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.