Báo The Star đưa tin Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba ngày 6/7 cho biết trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ cao mắc COVID-19 thể nặng vì bệnh lý nền mãn tính sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. Những trẻ khỏe mạnh hơn sẽ được tiêm sau khi Giai đoạn ba của Chương trình tiêm chủng covid quốc gia hoàn tất.
Trong diễn biến liên quan, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ viêm tim hiếm gặp ở trẻ em tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế theo dõi hàng triệu thanh thiếu niên ở các quốc gia khác chỉ ra rằng những trẻ được tiêm vaccine Pfizer có ít nguy cơ bị viêm cơ tim.
Theo ông Adham, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm cơ tim là 1 trên 15.000 trẻ trong nhóm tuổi 12 – 17. Phản ứng phụ hiếm gặp này dường như ảnh hưởng đến nam thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi nhiều hơn so với nữ giới hay các nhóm tuổi khác.
Cho đến nay, vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech là loại vaccine COVID-19 duy nhất được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia (NPRA) cấp phép sử dụng đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á cũng đang chờ đợi thêm dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sinovac dùng cho thanh thiếu niên.
Tính đến ngày 19/6, đã có 116.378 trẻ em Malaysia dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong số đó có 37.205 trẻ từ 13 – 17 tuổi. Bộ trưởng Adham Baba cho biết mặc dù trẻ em chiếm 15% tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này nhưng các bệnh nhi có xu hướng mắc bệnh không triệu chứng hoặc ở thể nhẹ, ít khả năng chuyển nặng.
Cho đến nay, Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận tỷ lệ báo cáo gặp phản ứng phụ nhỏ sau tiêm vaccine là 18,6 trên 1.000 người. Trong đó chỉ có 0,07 ca gặp phản ứng phụ nghiêm trọng và phải nhập viện.
Theo chính sách của Malaysia, những người gặp phải vấn đề sức khỏe lâu dài do phản ứng sau tiêm chủng sẽ được bồi thường 50.000 ringgit (khoảng 280 triệu đồng). Bất kỳ người nào bị thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong sẽ được bồi thường lên đến 500.000 ringgit (khoảng 2,8 tỷ đồng).