Theo tờ SCMP, thông tin trên do nhà phân tích quân sự Cao Yanzhong thuộc VIện hàn lâm Khoa học Quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa ra.
Theo đó, Mỹ do thám Trung Quốc trên Biển Đông và các khu vực duyên hải Trung Quốc.
Ngoài các chiến dịch tự do hàng hải công khai do các máy bay và tàu Hải quân Mỹ thực hiện, các máy bay, tàu và tàu ngầm do thám cũng theo dõi các căn cứ hải quân và không quân Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ cải trang máy bay chiến đấu thành máy bay dân sự để do thám gần bờ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã thực hiện việc này ít nhất 100 lần năm 2020.
Ông Cao phát biểu tại diễn đàn Xiangshan lần thứ 10 tuần này: “Tần suất lớn các hoạt động do thám cự ly gần như vậy làm ảnh hưởng tới an ninh và gây căng thẳng trong khu vực, khiến Trung Quốc phản đối mạnh và gia tăng rủi ro nổ súng”.
Ông Cao cho rằng nhiệm vụ khẩn cấp nhất lúc này là Mỹ ngay lập tức dừng do thám thường xuyên ở cự ly gần để giảm rủi ro.
Theo chuyên gia này, hành động của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải có biện pháp đối phó và sẽ cản trở hai bên hợp tác trong các vấn đề như kiểm soát vũ khí và an ninh khu vực. Hai bên cần giảm rủi ro bằng các quy định hành xử an toàn và liên lạc tốt hơn, đồng thời Mỹ cần điều chỉnh cơ bản chính sách với Trung Quốc và không coi nước này là mối đe dọa.
Trong tháng này, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ giải thích sau khi tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut va phải một vật thể tại Biển Đông. Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về sự cố khiến 11 thủy thủ bị thương, khiến Trung Quốc lo ngại về khả năng rò rỉ hạt nhân.
Hồi tháng 4, tại Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố coi mối quan hệ Mỹ-Trung là trận chiến về các công nghệ mang tính thế kỷ và cam kết duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Biden cho rằng điều này không nhằm kích động xung đột mà nhằm ngăn chặn xung đột.