Theo Bộ Giao thông Indonesia, chuyến bay số 182 của hãng Sriwijaya Air đã lao xuống biển Java vào chiều 9/1, khiến toàn bộ 63 người trên máy bay thiệt mạng. Chiếc Boeing 737-500 này đã nằm “đắp chiếu” trong hầu hết năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến việc cắt giảm phần lớn các chuyến bay thương mại.
Tờ New York Times dẫn báo cáo của ông Ian Petchenik – phát ngôn viên tại trang theo dõi máy bay Flightradar24 – cho hay: Sau khi rời khỏi nhà chứa phi cơ, chiếc máy bay 26 năm tuổi trên đã thực hiện liên tục 132 chuyến bay trong thời gian chưa đầy 1 tháng.
Mặc dù việc ngừng hoạt động có ảnh hưởng thế nào đến chiếc máy bay vẫn chưa được xác định, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo tình trạng gián đoạn kéo dài này có thể tiềm ẩn nguy cơ an toàn đối với những chiếc máy phải nằm không nhiều tháng.
“Có một vấn đề lớn trong việc khôi phục những chiếc máy bay này bởi vì khi ngừng hoạt động trong 9 hoặc 10 tháng, chúng cần được tiếp tục vận hành, nếu không chúng sẽ bị hư hỏng”, ông Hugh Ritchie, Giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn hàng không Aviation Analysts International của Australia cho biết.
Khoảng thời gian ngừng hoạt động đã tạo thêm gánh nặng cho việc kiểm tra và bảo dưỡng các bộ phận có thể đã xuống cấp. Ngoài ra, các phi công có thể không bay thường xuyên cũng cần thời gian để bắt lại nhịp làm việc dày đặc.
“Những chiếc máy bay trên cần được đưa vào phục vụ trở lại từ từ. Tương tự với các phi công. Đối với họ, tập luyện bay giả định là biện pháp quan trọng để duy trì tay nghề sau khi bị thiếu cơ hội bay thực tế”, ông Hugh Ritchie nói thêm.
Giống đa số các hãng hàng không thương mại khác, Sriwijaya Air buộc phải cắt giảm tần suất bay trong thời đại dịch. Đã có lúc hãng chỉ cho hoạt động 5 trên số 18 tàu bay. Chiếc Boeing 737-500 gặp nạn đã nằm trong nhà chứa phi cơ từ ngày 23/3/2020 và mãi tới cuối năm 2020 mới hoạt động.
Các phi công của hãng này cũng đối mặt với khoảng thời gian dài “đình bay”. Năm ngoái, cơ trưởng Afwan – người chỉ huy chuyến bay số 182 - đã dành phần lớn thời gian để tập bay giả định nhằm giữ tay nghề.
Bộ Giao thông Indonesia cho biết đã kiểm tra chiếc phi cơ này vào ngày 14/12/2020 và cấp chứng nhận an toàn bay vào ngày 17/12/2020. Sau khi chiếc Boeing 737-500 được đưa vào hoạt động trở lại cách đây 1 tháng, nó đã bay thẳng từ nhà chứa ở Surabaya đến thủ đô Jakarta hôm 19/12/2020 và bắt đầu phục vụ hành khách ngay hôm sau.
Các thợ lặn đã tìm thấy hộp ghi chép dữ liệu của máy bay hôm 12/1. Giới chức năng tin rằng vị trí của hộp đen thứ hai – máy ghi âm khoang lái - được xác định nằm cách hộp ghi chép dữ liệu khoảng 15m.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với việc các mảnh vỡ nằm rải rác dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 22m khiến việc tìm kiếm các thiết bị trở nên khó khăn. Ông Yudo Margono, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, cho biết hộp đen đầu tiên đã được các thợ lặn phát hiện khi di chuyển các mảnh vỡ lớn và đào bới bằng tay.
Xem video thợ lặn tìm kiếm hộp đen máy bay ở dưới biển. Nguồn: Guardian
Các mảnh vỡ cho thấy máy bay rơi xuống nước khi còn tương đối nguyên vẹn. Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia (NTSB) tuyên bố rằng chiếc máy bay đã không phát nổ trước khi đâm xuống mặt biển.
Cuộc tìm kiếm giữa hai hòn đảo nhỏ Lancang và Laki hôm 13/1 đã phải hoãn lại do sóng biển dâng cao đến 2,4m.
Ông Jefferson Irwin Jauwena, Giám đốc điều hành Sriwijaya Air, cho biết hãng này đã trải qua một cuộc kiểm toán độc lập vào tháng 3 năm ngoái để đánh giá giấy phép hoạt động, hướng dẫn vận hành, phụ tùng thay thế, quản lý hệ thống an toàn và chất lượng, đào tạo phi hành đoàn và giám sát máy bay. Việc đánh giá được thực hiện thông qua chương trình Tiêu chuẩn Rủi ro Hàng không Cơ bản do Tổ chức An toàn Chuyến bay, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Alexandria, Virginia điều hành.
Chuyến bay 182 của Sriwijaya Air gặp nạn chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ Jakarta. Nó rơi từ độ cao hơn 3.000m xuống mặt biển trong chưa đầy 1 phút. Cho đến nay, giới chức đã xác định được danh tính của 6 nạn nhân. Chiếc máy bay này xảy ra tai nạn khi đang trên hành trình đến thành phố Pintianak trên đảo Borneo với thời gian bay dự kiến là 90 phút. Trước đó cùng ngày, chiếc máy bay đã hoàn thành 4 chặng bay khác.