Máy chữ vẫn thịnh hành ở Ấn Độ

Ở nhiều quốc gia, máy chữ đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng tại Mumbai, nơi Ấn Độ giao dịch với thế giới và công nghệ hiện đại làm bùng nổ nền kinh tế nước này thì loại máy móc tưởng chừng khó gặp này vẫn được sử dụng rộng rãi. Thanh âm không lẫn vào đâu được của phím đánh chữ và tiếng chuông báo hết lề giấy vẫn vang lên khắp những dãy hành lang của các tòa án, văn phòng luật sư, sở cảnh sát và cả các cơ quan công quyền ở thành phố này.

Purushottan H. Sakhare, 46 tuổi, ngồi vắt vẻo trên một bức tường dọc một vỉa hè ở thành phố Mumbai, nhét một tờ giấy than vào chiếc máy chữ rồi cuốn lại bằng hai lần xoay cổ tay. Sau khi kéo cần gạt vào lòng, anh bắt đầu gõ lạch cạch trên bàn phím màu đen đã mòn vẹt, những cử động nhẹ nhàng và chính xác của mười ngón tay khiến bộ gõ bằng kim loại mỏng manh đập đều đều vào dải mực đen. Chẳng bao lâu sau, một mẫu đơn đã sẵn sàng nộp cho công chứng viên của Tòa hành chính thành phố Mumbai để đóng dấu và niêm phong.

Một người đánh máy thuê đang “tác nghiệp” trên một đường phố ở Mumbai. Ảnh: AFP-TTXVN


"Máy chữ là một công cụ hoàn hảo đối với công việc này", Sakhare nói, ngước mắt nhìn lên từ chiếc máy chữ hiệu Underwood cũ kỹ trước mặt. "Nó khá nhanh chóng và tiện lợi".

Người ta có thể bắt gặp hàng chục người đánh máy đơn thư không chính thức như Sakhare mưu sinh bằng những máy chữ gọn nhẹ trên vỉa hè bận rộn này. Âm thanh được tạo ra trong lúc họ làm việc bị nhấn chìm trong tiếng ồn giao thông ở trung tâm tài chính của Ấn Độ. Bên trong tòa án, ngay dưới một mái che bằng tôn nhẹ và mỏng là số lượng nhân công tương tự đang hối hả đánh máy các bản khai, chứng thư sở hữu tài sản gia đình cũng như các lá đơn tòa án với giá 10 rupi (22 xu Mỹ) cho mỗi trang.

Santosh Pratap Sangtani, ở công ty máy chữ Bombay, nói rằng thật may là những chiếc máy bền chắc là đặc trưng của công việc từ cuối thế kỷ 19 cho tới suốt giai đoạn 100 năm sau đó vẫn chưa trở thành đồ trưng bày trong bảo tàng.

"Ngày trước, người ta thường nói nếu muốn xin làm việc cho nhà nước thì đầu tiên là bạn phải biết đánh máy chữ và có trong tay giấy chứng nhận đã học đánh máy", Sangtani nói. "Và các lớp dạy đánh máy chữ trước đây bị đóng cửa nay đã mở trở lại".

Do hiện nay không xuất hiện mẫu máy chữ mới, công ty máy chữ Bombay và các doanh nghiệp tương tự vẫn có thể kiếm lời nhờ bán những chiếc máy cũ được tân trang với giá 6.000 rupi (hơn 130 USD). Việc tu sửa đống máy chữ hiệu Woodstock, Remington, Godrej và Facit thường bao gồm gia cố bằng kim loại, tra dầu hoặc thay bàn phím chữ tiếng Anh, Hindi và Marathi, thay thế thanh gõ, cần gạt và hộp mực bằng các linh kiện được chế tạo đặc biệt.

Cũng giống Sakhare, người đánh máy chữ ở tòa án, Sangtani tin rằng những chiếc máy này vẫn có một vị trí nhất định trong xã hội Ấn Độ hiện đại, cho dù Ấn Độ đang đẩy mạnh việc sử dụng máy vi tính và số hóa khu vực nhà nước.

Những người sử dụng máy chữ, đa phần đã lớn tuổi và gắn bó tình cảm với chiếc máy, cũng ưu tiên lựa chọn máy chữ thay vì máy vi tính do chi phí bảo dưỡng thấp và đơn giản. Hơn nữa, những chiếc máy loại này còn là một công cụ lý tưởng ở một quốc gia, nơi khoảng 400 triệu người chưa có điện để dùng và ở những nơi có điện thì tình trạng cắt điện cũng diễn ra hàng ngày. "Tôi nghĩ máy chữ vẫn còn thịnh hành thêm 4 hoặc 5 năm nữa", Sangtani nói.

Quang Minh (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN