Mô hình châu Âu trong quản lý khủng hoảng COVID-19

Tròn 3 tháng trước, ngày 24/1, những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận tại Pháp và đến giữa tháng 3, cả châu Âu choàng tỉnh khi "lục địa già" nhanh chóng trở thành tâm dịch của thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Pháp chuyển bệnh nhân COVID-19 từ một nhà dưỡng lão ở Epinay sur Seine, gần Paris tới bệnh viện, ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến nay tại châu Âu, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 116.700 người, lây nhiễm cho trên 1,25 triệu trường hợp, đồng thời gây thiệt hại chưa thể định giá hết về kinh tế. Một tổn thất quá lớn về người và của, và câu hỏi đặt ra là châu Âu đã phản ứng ra sao và sẽ ứng phó như thế nào với đại dịch này.

Khi châu Âu trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phải thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Nhận định không đúng đã dẫn đến những phản ứng không kịp thời của giới chức châu Âu cũng như các nước thành viên và điều quan trọng là để tuột mất thời điểm "vàng" có thể khống chế thành công ổ dịch. Giới chuyên gia cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 thời gian đầu tăng nhanh chóng mặt ở châu Âu.

Cho đến khi dịch lan rộng, Liên minh châu Âu (EU) một mặt có những điều chỉnh và quy định áp đặt trên trên toàn châu lục, song cũng dành cho các nước thành viên quyền tự quyết trong thực hiện các biện pháp chống dịch. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi EU cũng giống như một thực thể liên bang thu nhỏ. Có những điều mang tính khuôn khổ có thể áp dụng chung, song cũng có những quy định mà các nước thành viên tự phát thực thi, dù có làm "phật lòng" những nhân vật chủ chốt ở Brussels, như việc một số nước đơn phương đóng cửa biên giới để ngăn chăn dịch.

Thực tế là các nước EU khó có thể thống nhất được các biện pháp triển khai chung trong phòng chống dịch, bởi quy mô dịch và điều kiện ở mỗi nước có khác biệt rất lớn. Hơn thế, trong điều kiện dịch bệnh, mỗi nước lại quan tâm trước tiên bảo vệ người dân của mình. Họ thấy cần phải hành động ngay trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Liên minh châu Âu là vậy, điều đã được bộc lộ rõ trong những cuộc khủng hoảng thời gian qua, như khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng người di cư. Chỉ cần nhìn vào nước Đức liên bang sẽ thấy rõ hình ảnh một liên hiệp châu Âu phản ứng ra sao để ứng phó với dịch bệnh.

Mô hình chủ nghĩa liên bang ở Đức đã được nhắc tới nhiều lần trong những ngày qua. Chính phủ liên bang có thể quyết định về một khuôn khổ, song các bang lại được quyền điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù từng bang. Ví dụ thể hiện rõ nhất cho điều này là dù Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng thủ hiến 16 bang đã họp và nhất trí đưa ra những quy định chung để áp dụng, nhưng trong thực tế triển khai, một số bang lại có cách đi riêng vượt quá khuôn khổ và quy định đã thống nhất.

Bà Merkel từng thẳng thừng chỉ trích những hành động như vậy khi cho rằng Đức tuy là nhà nước liên bang, song các bang cần tôn trọng và hành động trong khuôn khổ quy định đã nhất trí. Một ví dụ cụ thể là việc dù đã quy định chỉ các cửa hàng có diện tích dưới 800 m2 được phép mở cửa trở lại khi nới lỏng hạn chế, song nhiều bang lại "lách" quy định bằng cách ngăn bớt diện tích cho đủ dưới mức này để có thể hoạt động trở lại, hay việc một số bang vẫn lên kế hoạch cho phép tụ họp số người vượt mức cho phép, hay thực hiện nới lỏng sớm hơn kế hoạch đã đề ra.

Việc triển khai quy định không đồng nhất ở các bang khiến báo chí Đức bình luận những quy định, gọi là chung, nhưng lại được thực hiện một cách chắp vá và không đồng nhất. Đành rằng đặc quyền của các bang là yếu tố tích cực khi giải quyết vụ việc trong những tình huống như đại dịch hiện nay, đặc biệt khi các bang và các vùng có mức độ ảnh hưởng khác nhau, song ở khía cạnh nào đó, điều này cũng tạo ra ấn tượng về một sự hỗn loạn, kiểu "mạnh ai nấy làm".

Quay trở lại cách ứng phó dịch của các nước châu Âu. Sau thời gian đầu lúng túng, hầu hết các nước châu Âu đã mạnh tay áp đặt những biện pháp hạn chế riêng để chống dịch và cũng đã đạt được những kết quả nhất định, yếu tố giúp các nước có thể ra quyết định nới lỏng những hạn chế để dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Trong khi Pháp tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế chống dịch thì nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, ngay cả trong quy định chống dịch, các nước châu Âu cũng có khác biệt. Ở khu vực Bắc Âu, trong khi 3 nước Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan nhanh chóng có những biện pháp chống dịch quyết liệt thì Thụy Điển lại lựa chọn một lối đi riêng và chiến lược chống khủng hoảng đó đã khiến số người nhiễm và tử vong gia tăng nhanh chóng. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven chỉ khuyến cáo người dân thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, trong khi cuối tháng 3 mới ra lệnh cấm tụ tập trên 50 người và cấm đến thăm các trại dưỡng lão. Nhịp sống tại quốc gia có diện tích lớn thứ ba trong EU với dân số trên 10 triệu người này hầu như không có gì thay đổi đặc biệt. Trường học, nhà hàng vẫn mở cửa. Giới quan sát đánh giá Thụy Điển đã chọn phương án "miễn dịch cộng đồng" thay vì phải chọn thay đổi nếp sống lâu nay ở quốc gia vùng Scandinavia.

Tuy nhiên, không rõ liệu phương pháp này sẽ đi đến đâu, bởi cho đến nay vẫn chưa có chứng minh khoa học nào về thời gian trung bình người bệnh được chữa khỏi và liệu họ có miễn dịch được khi tiếp xúc trở lại với virus hay không. Trong bối cảnh các nhà khoa học chưa thực sự hiểu hết về virus SARS-CoV-2 thì việc phải hành động thận trọng, đặc biệt trong nới lỏng các biện pháp chống dịch, là điều hết sức phải cân nhắc. Cho tới thời điểm này, các nước châu Âu đều đang phải "mắt nhắm, mắt mở" trong việc nới lỏng hạn chế, bởi họ phải chờ xem phản ứng và hiệu quả của các biện pháp được nới lỏng trước khi có hành động tiếp theo.

Theo các chuyên gia, khi liên quan tới vấn đề sự sống và cái chết thì câu trả lời nằm trong tay các quốc gia thành viên, bởi các chính trị gia phải tìm mọi cách đảm bảo an toàn trước tiên cho người dân của họ. Trong khủng hoảng, vai trò của các thể chế châu Âu lại bị thử thách, song thực tế đó lại chính là nền tảng giữ gìn sự gắn kết, giúp các nước, đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vượt qua khó khăn.

Số liệu từ Brussels cho thấy, EU và các nước thành viên đến nay đã bỏ ra 3.500 tỷ euro để đối phó với những tác động của COVID-19 và khu vực này vẫn cần tới 1.000 tỷ euro nữa mà chưa biết sẽ huy động từ nguồn nào. Việc hỗ trợ của EU cho các nước thành viên hiện được đặt vào 3 trụ cột, gồm Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), qua các khoản bảo lãnh của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và cơ chế làm việc rút ngắn thời gian SURE. Cái gọi là "trái phiếu corona" mà Italy và Tây Ban Nha kêu gọi phát hành, giờ đây hầu như không được nhắc tới nữa, mà thay vào đó là các khoản hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh thông qua các quỹ hiện có, kể cả phải huy động bổ sung.

Có thể nói, EU đang phải đối diện với khó khăn thực sự. "Mái nhà chung" có sớm yên ổn hay không, không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của dịch, vào khả năng sớm có vaccine hay thuốc đặc hiệu phòng chống virus, mà quan trọng hơn phụ thuộc vào sự đoàn kết, đồng lòng và tương trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên, đặc biệt là những nước lớn trong khu vực.

Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại châu Âu)
Dịch COVID-19 đẩy châu Âu xa Trung Quốc
Dịch COVID-19 đẩy châu Âu xa Trung Quốc

Năm 2020 được dự kiến là năm ngoại giao châu Âu-Trung Quốc nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến tình thế thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN