Mô hình 'Mua ngay, trả sau' đang dần thịnh hành tại Trung Đông

“Mua ngay, trả sau” (Buy Now, Pay Later - BNPL) là mô hình kinh doanh mới nổi trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý và nguồn vốn của nhiều quỹ đầu tư. Các công ty BNPL cho phép người tiêu dùng mua hàng ngay lập tức, dù là trực tuyến hay trực tiếp, và có thể thanh toán dần dần chi phí cho món hàng sau đó.

Tuy nhiên, khác với việc thanh toán qua thẻ tín dụng (trong đó khách hàng thanh toán định kỳ vào cuối mỗi tháng), mô hình BNPL cho phép khách hàng thanh toán theo từng kỳ ngắn hơn và chỉ phát sinh lãi suất nếu bạn thanh toán chậm. Với mô hình này, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tận hưởng mức tăng trưởng theo cấp số nhân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng trên mạng trực tuyến.

Trên thực tế, hình thức thanh toán theo mô hình BNPL còn tương đối mới mẻ đối với khu vực Trung Đông - nơi người tiêu dùng có “truyền thống” hoài nghi về việc trả tiền cho hàng hóa sau khi nhận được những món hàng này. Tuy nhiên, tất cả các công ty BNPL hoạt động tại đây như Tamara (có trụ sở tại Saudi Arabia) và các công ty Spotii, Tabby và Postpay (của UAE) đều cho rằng lượng khách hàng của họ đã vượt xa mức kỳ vọng ban đầu. Và các nhà đầu tư cũng đang chú ý tới xu hướng này.

Hồi tháng trước, công ty Tamara đã huy động được 110 triệu USD tiền nợ và vốn chủ sở hữu - một số tiền lớn đối với giai đoạn đầu khởi nghiệp ở Trung Đông. Trong khi đó, Tabby đã có được hơn 30 triệu USD, trong đó bao gồm cả khoản tài trợ từ quỹ quốc gia Abu Dhabi Mubadala. Phát biểu với báo giới, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Tabby – ông Hosam Arab cho biết: "Chúng tôi liên tục phải dự báo lại về các chỉ số của mình, bởi số lượng người tiêu dùng chấp nhận mô hình này liên tục khiến chúng tôi ngạc nhiên". 

Tại Ai Cập, tất cả các công ty trong lĩnh vực BNPL đều là những doanh nghiệp ở giai đoạn đầu hoạt động, trong đó nhiều công ty mới chỉ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Tại Mỹ, Australia và châu Âu, BNPL được tiếp thị như một sự thay thế cho thẻ tín dụng. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, với việc người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt và tìm kiếm các phương pháp vay tiền mới, dịch vụ này đã bùng nổ và ngày càng trở nên phổ biến.    

Tại vùng Vịnh, các công ty BNPL cho người tiêu dùng thấy rằng đây là một phương án hữu hiệu để thay thế hình thức trả tiền mặt khu nhận hàng - phương thức thanh toán phổ biến nhất để mua hàng trực tuyến ở nhiều quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, ông Anil Malhotra - Giám đốc tiếp thị của công ty thanh toán kỹ thuật số Bango, cho biết thách thức đối với các công ty BNPL tại khu vực vùng Vịnh là phải làm sao để mô hình này "không được giống với tín dụng". 

Phong tục Hồi giáo cấm tính lãi suất đối với các khoản vay và điều này đã ngăn cản một số người tiêu dùng Trung Đông sử dụng thẻ tín dụng. Các nhà cung cấp ở vùng Vịnh không tính lãi suất đối với người mua mà thay vào đó họ kiếm được doanh thu cao nhất bằng cách tính phí đối với người bán. Mặc dù khách mua hàng có thể bị tính lãi suất rất cao nếu họ không thể thanh toán đúng hạn, tuy nhiên các nhà cung cấp vẫn cho rằng điều này gây ra ít gánh nặng tài chính hơn so với thẻ tín dụng. Khách hàng có thể bị tạm ngừng hoạt động giao dịch, nếu họ không thanh toán đúng hạn cho một đơn hàng bất kỳ.

Theo các công ty BNPL, với mô hình này các doanh nghiệp sản xuất có thể tăng doanh số tiêu thụ, trong khi khách hàng có thể dàn trải các khoản thanh toán trong một thời gian dài mà vẫn mua được các sản phẩm mà họ cần.

Với trụ sở ở Saudi và UAE, công ty Tamara đã có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký bán hàng và khối lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 170% theo từng tháng. Trong khi đó, Spotii - hoạt động tại Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Oman, có 650 người bán với khối lượng giao dịch tăng trung bình 90% mỗi tháng kể từ khi được ra mắt vào năm ngoái.Cả Postpay, Spotii, Tabby và Tamara đều cho biết đang xem xét kế hoạch sớm mở rộng mô hình BNPL sang các thị trường khác.

Thanh Phương  (TTXVN)
KH và CN - Động lực phát triển: Bài cuối -Thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, kinh tế số và xã hội số
KH và CN - Động lực phát triển: Bài cuối -Thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, kinh tế số và xã hội số

Những ngày này, Đại hội XIII của Đảng đang tập trung thảo luận, xem xét, quyết định đường lối phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN