Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AFP
|
Các chuyên gia tiền tệ tại châu Âu đánh giá cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh đang là một trong những mối lo hàng đầu đối với thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu, và sự quan ngại về khả năng Anh rời EU (Brexit) có thể khiến đồng bảng Anh "trượt dài", thậm chí giảm sâu hơn mức 1,39 USD/bảng được ghi nhận lần đầu tiên hôm 22/2 kể từ năm 2009.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn phân tích của giới chuyên gia tiền tệ cho rằng mặc dù đang giảm giá nhanh, tổng cộng khoảng 8% trong 125 phiên giao dịch gần đây, nhưng đồng bảng Anh không rơi vào trạng thái bị phá giá. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy giới giao dịch tiền tệ đang "cá cược" rằng đồng bảng sẽ trượt giảm mạnh hơn. Vào thời điểm chính trường Anh đang chia rẽ về việc đi hay ở lại EU, thì trong giới chuyên gia tài chính cũng tồn tại hai luồng quan điểm về việc liệu có xảy ra “khủng hoảng đồng bảng” hay không.
Ngân hàng Commerzbank có trụ sở tại Frankfurt (Đức) cho rằng “đồng bảng đã tới mức khủng hoảng”, với dẫn chứng rằng đồng tiền này chỉ giao dịch ở mức thấp như hiện nay có 3 lần, đó là thời điểm Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu sụp đổ năm 1992, bong bóng công nghệ “xì hơi” năm 2001-2002 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhiều nhà chiến lược ngoại hối tại châu Âu dự báo giá đồng bảng Anh sẽ giảm 15-20% so với hiện nay, xuống mức "hiếm thấy". Ngân hàng HSBC cho rằng đồng tiền này có thể giảm xuống mức của thập niên 1980, thậm chí sẽ giảm ngang mức giá với đồng euro. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bác bỏ khả năng này. Chuyên gia Alan Wilde thuộc công ty quản lý tài sản Baring Asset Management cho rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng nào, bởi đồng yen, euro cũng đang yếu đi tương đối so với đồng USD.
Liên quan tới tác động của “Brexit”, ngân hàng HSBC có trụ sở tại Anh cho hay những bất ổn xung quanh cuộc bỏ phiếu rời EU có thể khiến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh giảm đi khoảng 1,5% vào cuối năm 2017, đồng thời khiến nguy cơ lạm phát gia tăng. Nếu đồng bảng Anh giảm 15-20% như dự báo của các nhà chiến lược tiền tệ, lạm phát của Anh có thể bị đẩy tăng thêm 5%. HSBC cũng lưu ý rằng nếu người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ "Brexit", sự quan ngại về giảm phát có thể nhanh chóng nhường bước cho một nỗi lo lớn hơn, đó là mối lo ngại về lạm phát đình đốn, thuật ngữ để chỉ giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm trong khi lạm phát ở mức cao.
Tờ "Thời báo tài chính" (Financial Times) của Anh dẫn lời Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan, Jamie Dimon cảnh báo rằng việc "xứ sở sương mù" rời EU sẽ khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính chuyển hoạt động từ trung tâm tài chính London sang các nước châu Âu hoặc các khu vực khác trên thế giới. Thậm chí, một số giáo sư tài chính lưu ý rằng "Brexit" có thể làm suy yếu lĩnh vực tài chính của cả EU, bởi động thái chuyển hoạt động sang các nước châu Âu khác nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phân rẽ đáng lo ngại. Trong khi đó, các thị trường tài chính lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Frankfurt và Dublin ở châu Âu, Tokyo, Singapore và Hong Kong ở châu Á "chờ sẵn" để “hưởng lợi” từ việc các ngân hàng và công ty tài chính chuyển bớt hoạt động giao dịch ra khỏi Anh.