Theo báo cáo của tổ chức trên, trong giai đoạn từ năm 2013-2017, số trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương do các hậu quả liên quan tới xung đột vũ trang tăng tới hơn 3 lần. Riêng số trẻ em thiệt mạng là 870.000 trẻ, trong đó có 550.000 trẻ sơ sinh. Những trẻ em vô tội này bị cướp đi sinh mạng không chỉ bởi các cuộc giao tranh, mà còn do nạn đói, cơ sở hạ tầng, bệnh viện bị hư hại, thiếu vệ sinh, không được chăm sóc y tế và không được tiếp nhận cứu trợ. Không chỉ vậy, các em nhỏ còn phải đối mặt với vô vàn các mối đe dọa khác, trong đó có việc bị các nhóm vũ trang tuyển dụng tham gia các vụ tấn công, bị bắt cóc hoặc trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Save the Children Helle Thorning-Schmidt cho biết khoảng 1/5 số trẻ em trên thế giới đang sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, cao nhất trong 2 thập niên qua. Riêng trong năm 2017, có tới 420 triệu trẻ em sống tại các khu vực có giao tranh, tăng 30 triệu trẻ so với năm trước đó.
Các quốc gia đứng đầu trong danh sách đáng lo ngại này có Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Iraq, Mali, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Syria và Yemen.
Trước thực trạng trên, tổ chức Save the Children đã đưa ra một loạt khuyến cáo nhằm bảo vệ thế hệ tương lai, trong đó có cam kết độ tuổi tối thiểu tham gia quân đội là 18 tuổi.