Cụ thể, Tòa phúc thẩm ở San Francisco (Mỹ) quyết định không chấp nhận kháng cáo của tập đoàn Bayer, giữ nguyên phán quyết năm 2019 ủng hộ cặp vợ chồng Alva và Alberta Pilliod khởi kiện hãng này vì cho rằng họ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin (NHL) sau nhiều năm sử dụng Roundup. Tòa cũng giữ nguyên phán quyết của một thẩm phán giảm mức bồi thường cho nguyên đơn từ 2 tỷ USD xuống còn 86,7 triệu USD.
Trong phán quyết mới nhất, tòa phúc thẩm cho rằng công ty Monsanto đã không sẵn sàng thông báo cho người dân về nguy cơ mắc ung thư từ sản phẩm được bán tại nhiều cửa hàng của hãng trên khắp nước Mỹ. Tòa cũng khẳng định nhà sản xuất này đã biết không có những nghiên cứu chứng minh tính an toàn của thuốc diệt cỏ Roundup vào thời điểm gia đình Pilliod bắt đầu phun chất này trong vườn nhà họ mà không đeo găng tay hoặc dùng đồ bảo hộ do tin vào các quảng cáo trên truyền hình.
Một người phát ngôn của Bayer tuyên bố tập đoàn không đồng tình với phán quyết của tòa, đồng thời tiếp tục khẳng định tính an toàn của thuốc diệt cỏ Roundup dựa trên những đánh giá và nghiên cứu khoa học của các cơ quan y tế hàng đầu thế giới trong 4 thập kỷ qua. Người phát ngôn này cho biết Monsanto sẽ cân nhắc các phương án pháp lý.
Kể từ khi “thâu tóm” Monsanto năm 2018, tập đoàn Bayer đối mặt với hàng loạt rắc rối pháp lý tại Mỹ. Hàng trăm nghìn đơn kiện liên quan đến chất glyphosate có trong sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup bị nghi gây ung thư. Bayer đã chi hơn 15 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện ở Mỹ liên quan tới sản phẩm này. Tháng 2 năm nay, hãng thông báo đã giải quyết được khoảng 90.000 vụ kiện trên thế giới liên quan.
Tháng 5 vừa qua, Tòa án liên bang ở San Francisco đã bác đơn kháng án của Monsanto trong vụ xét xử liên quan thuốc diệt cỏ Roundup, theo đó ủng hộ mức bồi thường 25 triệu USD cho ông Edwin Hardeman - bên nguyên khởi kiện Monsanto vì hóa chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup khiến ông mắc ung thư hạch không Hodgkin. Monsanto cho biết sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao Mỹ trong tháng 8 này.