Theo đài RT (Nga), trong bài đăng trên kênh Telegram chính thức ngày 5/1, ông Volodin cho rằng động thái này đi ngược lại luật pháp quốc tế và có thể khiến các quốc gia khác thực hiện hành động tương tự.
“Họ dự định tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukraine. Điều này sẽ khởi động quá trình mà trong đó tất cả các quốc gia phớt lờ luật pháp quốc tế và thực hiện những gì họ thấy phù hợp theo ý mình”, ông Volodin cảnh báo, đồng thời nói thêm rằng giới lãnh đạo Đức “nên nhớ trong lịch sử, việc xâm phạm tài sản của quốc gia khác đã phải trả giá như thế nào”.
Ông Volodin nhấn mạnh Nga sẽ có quyền thực hiện các động thái tương tự nhằm đáp trả Đức nếu Berlin tịch thu tài sản của Nga.
“Chúng ta đang sống trong một thực tế khác: không chỉ tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc mà còn dựa trên các tiền lệ. Không có các quyết định đơn phương, mọi quốc gia phải cùng tuân theo các quy tắc giống nhau. Việc tịch thu quỹ và tài sản cũng vậy. Khi quyết định đó được đưa ra, chúng tôi có quyền thực hiện các hành động tương tự đối với tài sản của Đức và các quốc gia khác”, vị quan chức Nga cảnh báo.
EU đã thảo luận về ý tưởng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine trong một thời gian. Theo báo cáo gần đây của Bloomberg, Berlin đã tăng cường đàm phán về động thái gây tranh cãi này và đang cân nhắc phương án tịch thu tài sản của Nga cách có chọn lọc. Chẳng hạn, chỉ tịch thu tài sản của những cá nhân Nga có liên quan đến hoạt động ở Ukraine đã được xác thực.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức đang chia rẽ về việc có nên áp dụng biện pháp này hay không và ở mức độ nào. Các nhà phân tích cảnh báo chẳng hạn, cách tiếp cận có chọn lọc sẽ khó thực hiện, vì có thể mất nhiều năm để đưa ra xét xử từng vụ việc tại các tòa án.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định rằng ít nhất một số tài sản bị đóng băng phải bị tịch thu, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner lo ngại rằng động thái đó có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và đẩy các quốc gia châu Âu và đồng minh của họ vào vũng lầy pháp lý.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ “tìm mọi cách hợp pháp” để tịch thu tài sản của Nga để sử dụng ở Ukraine.
Mỹ cho đến nay đã thận trọng hơn vì lo ngại rằng việc tịch thu sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của nước này như một nơi trú ẩn an toàn cho các tài sản nước ngoài.
Ngoài các lệnh trừng phạt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, các chính phủ phương Tây đã đóng băng khoảng 311 tỷ USD ngân sách dự trữ thuộc ngân hàng trung ương Nga, cùng với hàng tỷ tài sản thuộc sở hữu của các doanh nhân Nga bị trừng phạt.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố rằng họ coi khả năng các nước phương Tây trả lại tài sản của Nga bị đóng băng do lệnh trừng phạt là “cực kỳ thấp”, mặc dù thực tế là chúng chưa bị tịch thu một cách hợp pháp.