TTXVN giới thiệu chùm bài “Một năm sau xung đột Nga - Ukraine” phản ánh tác động đa chiều của cuộc khủng hoảng tới triển vọng kinh tế thế giới, cung - cầu trên thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng hàng hóa, tiến trình toàn cầu hóa cùng những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực trong một năm qua.
Bài 1: Khủng hoảng năng lượng đã nhìn thấy hồi kết?
Một năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường năng lượng toàn cầu đã chứng kiến những biến đổi sâu sắc. Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây, việc Nga giảm cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và các nỗ lực tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu đã làm xáo trộn trạng thái cân bằng cung cầu trên thị trường năng lượng hóa thạch. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, thị trường năng lượng sẽ thay đổi như thế nào khi bước sang năm thứ hai của cuộc xung đột?
Khi áp lực giá năng lượng giảm bớt
Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022, ngày 8/3/2022, Mỹ thông báo quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga. Cùng ngày, Anh và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố kế hoạch từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. EU cũng đưa ra kế hoạch dừng nhập khẩu dầu thô của Nga kể từ ngày 5/12/2022 và tất cả các chế phẩm dầu mỏ như xăng và dầu diesel của Nga được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/2/2023.
Những biện pháp trên đã phá vỡ thế cân bằng mong manh giữa cung và cầu, khiến giá cả năng lượng tăng vọt. Tháng 1/2022, giá dầu WTI trung bình là 82,98 USD/thùng và giá dầu Brent là 85,57 USD/thùng, nhưng đến tháng Ba đã tăng vọt lên 108,26 USD/thùng và 112,46 USD/ thùng.
Sau đó, nhằm bù vào nguồn cung dầu thiếu hụt từ Nga, các quốc gia thực hiện lệnh cấm vận với dầu Nga chuyển sang tìm các nguồn cung dầu mới từ Mỹ, Trung Đông, châu Phi. Đây là lý do khiến đến cuối năm 2022, giá dầu thế giới giảm dần, bất chấp các lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga ngày càng thắt chặt hơn.
Một nguyên nhân khác quan trọng hơn khiến giá dầu giảm vào cuối năm 2022 là hầu hết các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát cao trong khi tiêu dùng yếu đi. Lạm phát cao, ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá hàng hóa, chi phí sản xuất tăng, gián đoạn trong chuỗi cung ứng là những yếu tố phủ bóng đen lên triển vọng hoạt động sản xuất của các nền kinh tế. Những điều này khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu suy yếu và làm giá dầu giảm xuống còn khoảng 80-90 USD/thùng khi bước sang đầu năm 2023.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng do nước này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tháng 8/2022, giá bán buôn khí đốt cho thị trường châu Âu lên tới gần 350 euro (370 USD)/MWh. Vì khí đốt là nguồn nhiên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất điện, nên giá điện cũng tăng mạnh. Việc giá năng lượng leo thang là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở châu Âu và làm suy giảm khu vực sản xuất của "lục địa già".
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, giá khí đốt trên thị trường châu Âu đã giảm đáng kể. Bên cạnh nguyên nhân như thời tiết ôn hòa hơn bình thường, nhu cầu sưởi ấm giảm, tỷ lệ dự trữ cao, các nguồn cung LNG quy mô lớn qua đường biển cũng góp phần hạ giá khí đốt ở châu Âu. Tuần đầu tháng 2/2023, giá khí đốt trên thị trường châu Âu lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 euro/MWh kể từ năm 2021.
"Hồi kết" của cuộc khủng hoảng năng lượng?
Đến đầu năm 2023, khi lạm phát tại nhiều quốc gia đã có dấu hiệu tạo đỉnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất do lo ngại suy thoái kinh tế. Những nỗ lực mua khí đốt thay thế nguồn cung ở Nga hay biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ trong mùa Đông đã giúp các nước châu Âu tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, những cú sốc trên thị trường năng lượng khó có thể chấm dứt hoàn toàn, do hai vấn đề chính: nguồn cung từ Nga và nhu cầu từ Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng châu Âu vẫn chưa giành chiến thắng trong "cuộc chiến" năng lượng với Nga, dù giá khí đốt giảm đáng kể. Người đứng đầu IEA cảnh báo Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho châu Âu và nhu cầu toàn cầu về LNG có thể sẽ tăng lên do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Dự kiến sẽ có thêm 23 tỷ m3 LNG trong năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng nhẹ khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng, Trung Quốc có thể sẽ "tiêu thụ" tới 80% lượng khí đốt tăng thêm.
Điều này có thể làm phức tạp thêm việc bổ sung dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa Đông tới. Theo ông Birol, mùa Đông tới có thể khó khăn hơn đối với châu Âu nếu thời tiết lạnh hơn. Ông chỉ ra rằng nền kinh tế châu Âu vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái quy mô lớn, viện dẫn giá khí đốt tại châu Âu vẫn cao gấp 7 lần so với ở Mỹ, giá điện cao gấp 3 lần so với ở Trung Quốc.
Mặc dù châu Âu có đủ kho cảng nhập khẩu LNG, nhưng có thể không có đủ khí đốt để nhập khẩu. Vì vậy, mùa Đông tới sẽ không dễ dàng với châu Âu và điều này có thể sẽ đẩy giá lên cao trở lại. Ngay cả khi nỗ lực phát triển các mỏ khí đốt mới, cũng phải mất nhiều năm nữa các mỏ này mới đi vào hoạt động.
Do đó, phát triển năng lượng tái tạo được coi là đáp án dài hạn cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Xung đột ở Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng và có thể thúc đẩy hệ thống năng lượng tái tạo bền vững hơn và sạch hơn. Khi các quốc gia tập trung nhiều hơn vào an ninh năng lượng, họ sẽ tìm cách tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng sản xuất trong nước, phần lớn trong số đó có thể đến từ năng lượng tái tạo và các nhiên liệu phi hóa thạch khác.
Đáng chú ý, Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 đã giúp các nước cùng nhau vượt qua cú sốc sau xung đột, trong khi các kế hoạch mới nhằm giảm sự phụ thuộc và dầu mỏ của Nga vào năm 2027, với việc sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn tái tạo, đang tiến triển.
Cụ thể, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu đã lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm 2022. Trong khi đó, Chính phủ Đức dự kiến sẽ ban hành một chiến lược sản xuất điện trong nửa đầu năm 2023, với mục tiêu là tạo ra ít nhất 80% điện năng từ gió và Mặt Trời vào năm 2030.
Dự báo xu hướng thị trường
IEA cho biết, do là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhập khẩu LNG lớn thứ hai của thế giới, Trung Quốc được coi là biến số lớn nhất trên thị trường dầu khí toàn cầu trong năm nay. Nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng lên khi kinh tế Trung Quốc khôi phục hoạt động sau khi mở cửa trở lại bình thường, song việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) hạn chế sản lượng đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt trong nửa sau của năm 2023.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ mới nhất, IEA cho biết nguồn cung dầu mỏ từ OPEC+ dự kiến sẽ giảm do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Theo báo cáo, nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể sẽ vượt nhu cầu vào nửa đầu năm 2023, nhưng cán cân có thể nhanh chóng chuyển sang thâm hụt khi nhu cầu phục hồi, trong khi Nga - nước xuất khẩu dầu khí lớn thứ 3 thế giới - bị cấm vận.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga cho đến nay có rất ít tác động đối với lượng dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia này. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu dầu mỏ của Nga chỉ giảm 160.000 thùng/ngày so với mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine (2/2022). Tuy nhiên, đến cuối quý I/2023, mức giảm có thể lên đến 1 triệu thùng/ngày, sau khi EU triển khai lệnh cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển và các biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Mới đây Nga tuyên bố sẽ cắt giảm 5% sản lượng từ tháng 3/2023.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Mỹ ước tính trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ước đạt 101,06 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng dầu sẽ vào khoảng 100,82 triệu thùng/ngày. Giá dầu Brent sẽ duy trì trên mức 90 USD/thùng vào nửa đầu năm 2023 và sẽ giảm vào cuối năm 2023 khi lượng dầu dự trữ tăng lên. Giá dầu Brent trung bình trong năm nay ở mức 92 USD/thùng và giá dầu WTI dự báo sẽ là 86,36 USD/thùng.
Bài 2: Đa dạng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng