1. Một trong những thống kê tích cực trong năm 2019 phải kể đến là của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố tháng 11 vừa qua, theo đó 800 triệu người trên thế giới đã thoát cảnh nghèo đói cùng cực trong 15 năm qua. Trong số các nước này có 7 quốc gia ở khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, chứng tỏ hoàn toàn có thể xóa đói giảm nghèo trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tại Tanzania, tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 86% xuống 49,1% trong thời gian từ năm 2000 - 2011, tương đương giảm trung bình 3,2%/năm.
Xét trên toàn cầu, nếu cách đây 30 năm có 1/3 dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực, thì hiện nay con số này chỉ là 1/12.
Cách đây 3 tuần, một liên minh toàn cầu của các đối tác phát triển đã cam kết duy trì động lực trong cuộc chiến chống đói nghèo, với việc huy động khoảng 82 tỷ USD cho quỹ của WB dành cho các quốc gia nghèo nhất, trong đó 53 tỷ USD dành cho châu Phi.
2. Theo Ngân hàng Thế giới, một chỉ số tích cực khác là tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Năm 1990, cứ 1.000 trẻ sinh ra có 93 em tử vong trước 5 tuổi. Con số này năm 2017 giảm xuống còn 39/1000.
Giáo sư kinh tế phát triển tại Viện Nghiên cứu và phát triển quốc tế (IHEID), ông Gilles Carbonnier cho biết tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và của các bà mẹ giảm "không chỉ là bằng chứng cho thấy sự phát triển về điều kiện sống, mà cả khả năng tiếp cận với giáo dục, nhất là của phụ nữ, khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nguồn nước sạch".
Trẻ em tử vong ít hơn vì được ăn uống đầy đủ hơn, được chăm sóc tốt hơn và tiêm phòng đầy đủ hơn. Đặc biệt là trong phòng chống bệnh bại liệt. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết số trẻ em mắc căn bệnh này đã giảm từ 350.000 năm 1988 xuống còn 33 năm 2018. Bệnh bại liệt có thể sẽ sớm được loại bỏ hoàn toàn. Thách thức từ nay về sau là củng cố và giữ vững bước tiến này.
Một trong những tiến bộ mà thế giới đạt được trong năm 2019 cần nhắc tới là cuộc cách mạng nhà vệ sinh tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người phát động chương trình "Ấn Độ sạch" từ năm 2014, cho biết từ mùa Thu năm nay, quốc gia Nam Á này sẽ trang bị đầy đủ nhà vệ sinh trên toàn quốc.
Theo Chính phủ Ấn Độ, hơn 100 triệu nhà vệ sinh đã được xây dựng trong 5 năm qua, góp phần tăng phạm vi có nhà vệ sinh của 99% khu vực nông thôn hiện nay. Chính phủ sẵn sàng cung cấp 200 USD cho bất kỳ hộ gia đình nào đồng ý lắp đặt nhà vệ sinh.
Tại Ấn Độ, đại tiện không dùng nhà vệ sinh là vấn đề đáng chú ý về an toàn và sức khỏe đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng một số nhà quan sát đặt nghi vấn về báo cáo của chính phủ. Họ cho rằng lắp đặt nhà vệ sinh không đồng nghĩa với việc chúng được sử dụng. Khoảng 29% hộ gia đình ở nông thôn Ấn Độ không sử dụng nhà vệ sinh. Thành công của chương trình này phụ thuộc vào sự thay đổi về mặt tư duy.
3. Về mặt khoa học, năm 2019 đã chứng kiến sự phát hiện của chủng tộc vượn người. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một giống người mới với các đặc điểm hình thái đặc biệt, sống trên đảo Luzon của Philippines cách đây hơn 50.000 năm.
Florent Detroit, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Nhân loại ở Paris và là tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết giống người này (Homo luzonensis) vừa có các đặc điểm nguyên thủy giống với loài Australopitheque, vừa hiện đại và gần với loài Homo sapiens. Điều đó khiến giống người này như một "bức tranh ghép".
Homo luzonensis không phải tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại, mà là một loài hàng xóm cận nhánh của Homo sapiens. Hai hóa thạch được phân tích của loài này cho thấy niên đại lần lượt là 50.000 và 67.000 năm tuổi.
Nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Nhân loại, Antoine Balzeau nói: "Thật thú vị vì nó cho chúng ta thấy rằng loài người thực sự đa dạng. Chúng tôi nhận ra rằng mình đang đối mặt với một cây nhân loại nhiều nhánh. Trong khi sự tiến hóa của con người từ lâu được coi là một đường thẳng từ loài Homo erectus, nhưng thực tế phức tạp hơn, với nhiều nhánh. Và Homo luzonensis là nhánh trẻ nhất của cây nhân loại".
Một số khám phá trong năm nay liên quan đến một loài khác biệt với Homo sapiens: Loài người Denisova, có xương được tìm thấy ở Siberia và châu Á. Nhờ kỹ thuật mới dựa trên nghiên cứu protein, chiếc hàm răng dưới của người được phát hiện ở cao nguyên Tây Tạng cho phép khẳng định rằng một người Denisova đã sống ở khu vực này vào giữa kỷ băng hà, khoảng 160.000 năm trước.
Theo một số nghiên cứu mới đây, loài người Denisova cũng pha trộn với những nhánh khác. Xương của một đứa trẻ lai đã được tìm thấy trong một hang độc ở Siberia, một bé gái có mẹ thuộc loài người Neandertal và bố thuộc loài người Denisova.
Ông Balzeau cho biết: "Các nhánh khác nhau của loài người cùng tồn tại với chúng ta, nhánh Homo sapiens. Chúng ta chia sẻ Trái Đất và đôi khi còn trao đổi cả gene. Điều đó làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết mà chúng ta có về Homo sapiens, đem đến hình ảnh phức tạp hơn về loài người, được tạo nên bởi gene của những nhóm người khác. Sự biến mất của các loài khác ngoài Homo sapiens chứng tỏ con người cũng như các loài động vật khác, có nguy cơ tuyệt chủng sau một cuộc khủng hoảng lớn".