Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), quy định mới này nằm trong kế hoạch của chính quyền tỉnh nhằm thúc đẩy quyền lợi của nữ giới trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu trên.
Điều luật mới được áp dụng từ tháng 3/2021, đòi hỏi các công ty cho phép nhân viên nghỉ 1 – 2 ngày giữ nguyên lương nếu như gặp phải tình trạng đau đớn dữ dội do chu kỳ kinh nguyệt gây ra. Về phía người lao động, họ phải chứng minh được về mặt y tế.
Quyết định này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Nhiều người lo ngại rằng thay đổi này sẽ gây bất lợi cho các nữ lao động. “Năm tới, chúng ta có thể đọc được tin tức về một phụ nữ bị sa thải vì nghỉ chu kỳ kinh nguyệt”, một bình luận trên mạng Weibo viết.
Cô Wei Yiran, 26 tuổi, lo rằng quy định mới sẽ làm gia tăng sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, đồng thời tạo ra rào cản cho những người phụ nữ đang tìm kiếm việc làm. “Tôi cho rằng phụ nữ sẽ càng khó tìm việc hơn”, nữ giáo viên chia sẻ.
“Các nhà tuyển dụng Trung Quốc từ lâu đã coi phụ nữ và việc mang thai là gánh nặng chi phí. Thêm thời gian nghỉ chu kỳ kinh nguyệt, họ có thể cảm thấy thuê lao động phụ nữ sẽ mang lại quá nhiều rắc rối”, cô nói.
Các quy định này nằm trong bộ luật bảo hộ lao động mới của chính quyền tỉnh Liêu Ninh, bao gồm cho phép nữ lao động được nghỉ thai sản 98 ngày, được khám phụ khoa hàng năm do chủ lao động chi trả cũng như tăng cường đào tạo chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Một cuộc thăm dò của Cover News thực hiện cho thấy gần 60% trong số 51.000 người được hỏi bày tỏ ủng hộ chính sách mới, trong khi 30% lo ngại nó sẽ khiến phụ nữ khó tìm việc hơn. Nhiều người trong số những người tham gia đã kêu gọi giới chức tại các khu vực khác của Trung Quốc xem xét áp dụng chính sách tương tự.
Hồi tháng 8, Nhật báo Liêu Ninh đưa tin chính phủ đang soạn thảo một số quy định mới nhằm nới lỏng giới hạn số con trong một gia đình ở Trung Quốc. Chính quyền Liêu Ninh hy vọng môi trường làm việc linh hoạt hơn sẽ tạo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, qua đó khuyến khích phụ nữ sinh con.
Dự báo dân số Trung Quốc bắt đầu thu hẹp vào khoảng năm 2030 do tốc độ già hóa dân số nhanh cùng tỷ lệ sinh sụt giảm. Nhiều chuyên gia lo ngại bước chuyển biến trên có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và quỹ hưu trí.
Cô Wei Yiran lập luận rằng quyết định cho phụ nữ nghỉ phép sẽ không thúc đẩy họ sinh con nhiều hơn. Cô cho rằng yếu tố này phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của người phụ nữ cùng quan niệm của họ về tương lai của đứa trẻ khi chào đời. Theo cô, Chính phủ Trung Quốc nên ưu đãi về thuế và tài chính cho các nhà tuyển dụng khi thuê lao động nữ.
Ở Trung Quốc, chính quyền các tỉnh Ninh Hạ, Sơn Tây và Hồ Bắc cũng cho phép người lao động nghỉ phép vào chu kỳ kinh nguyệt. Trên thế giới, phụ nữ tại Nhật Bản đã được nghỉ “ngày đèn đỏ” từ năm 1947. Vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cho phép nữ lao động nghỉ 1 ngày/tháng, theo kênh CNN. Indonesia cho phép lao động nữ nghỉ 2 ngày/tháng, song họ hiếm khi nghỉ vì phải trải qua bước kiểm tra của bên tuyển dụng.