Số liệu từ Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, có tới hơn 2% dân số Ukraine đang phải rời bỏ nhà cửa tị nạn trong vòng chưa đầy một tuần. Cuối năm 2020, Ngân hàng Thế giới thống kê dân số Ukraine là 44 triệu người.
UNHCR dự báo khoảng 4 triệu người sẽ rời khỏi Ukraine và cảnh báo rằng thậm chí dự báo này còn có thể được điều chỉnh tăng lên.
Trong một lá thư điện tử, người phát ngôn của UNHCR, Joung-ah Ghedini-Williams, chia sẻ: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy đã vượt mốc 1 triệu người" tính đến nửa đêm 1/3 ở Trung Âu, dựa trên số liệu do các cơ quan chức năng quốc gia thu thập.
Trên Twitter, người đứng đầu UNHCR, Filippo Grandi, cũng viết: "Chỉ trong 7 ngày, chúng ta đã chứng kiến cuộc di cư của 1 triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng."
Theo số liệu của UNHCR, Syria, nơi từng xảy ra cuộc nội chiến kéo dài vào năm 2011, hiện vẫn là quốc gia có dòng người tị nạn lớn nhất - với hơn 5,6 triệu người. Nhưng ngay cả vào thời điểm người tị nạn rời Syria với tốc độ nhanh nhất, vào đầu năm 2013, cũng phải mất ít nhất 3 tháng để 1 triệu người tị nạn rời khỏi đất nước.
Người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo hôm 2/3 cho biết, "với tốc độ" dòng người tị nạn từ Ukraine, nước này có thể trở thành nơi xuất phát của "cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế kỷ này."
Ngày 2/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một chương trình bảo vệ tạm thời cho những người rời khỏi Ukraine tránh xung đột, bao gồm việc cấp giấy phép cư trú, tiếp cận việc làm và phúc lợi xã hội tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
EC cho biết, hơn 650.000 người đã rời Ukraine đến các nước láng giềng là thành viên của EU kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phát biểu trên đài phát thanh tư nhân Zet ngày 2/3, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker cho biết, hơn 450.000 người từ Ukraine đã vào Ba Lan kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự.
Nhằm ứng phó với tình trạng người tị nạn ồ ạt đổ đến các nước EU, dự luật mới trên sẽ được áp dụng ở tất cả các quốc gia thành viên EU. Nếu được thông qua, chương trình bảo vệ tạm thời sẽ ngay lập tức bắt đầu được áp dụng cho những người tị nạn Ukraine trong 1 năm và có thể kéo dài tới 3 năm.
Trong khi đó, theo AP, trong một bài phát biểu trước toàn quốc vào sáng sớm 2/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đưa ra đánh giá lạc quan về cuộc xung đột và kêu gọi người dân Ukraine tiếp tục kháng chiến. Ông Zelenskyy không bình luận về việc liệu người Nga có chiếm được một số thành phố của Ukraine, bao gồm cả Kherson hay không.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 2/3 của Đại hội đồng LHQ yêu cầu ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga. Cuộc bỏ phiếu nói trên có kết quả 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo đề nghị của lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Donesk tự xưng ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ông Putin khẳng định kế hoạch của Nga không bao gồm chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine. Phản ứng trước động thái này, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và một số quốc gia khác đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.