Thống kê của Bộ Y tế Malaysia trên trang CovidNow và các số liệu khoa học cho thấy tỷ lệ tử vong của những người đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19 thấp hơn 25 lần so với những người chưa tiêm. Đáng chú ý, những người đã tiêm mũi tăng cường sẽ có nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 thấp hơn 148 lần so với những người chưa tiêm.
Tiến sỹ Mahesh dẫn số liệu thống kê của Bộ Y tế Malaysia trên trang CovidNow tính đến ngày 12/1 nêu rõ tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày trong số những người chưa tiêm vaccine là 14,8%, trong khi tỷ lệ tử vong của những người đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản và mũi tăng cường lần lượt là là 0,6% và 0,1%.
Tính đến ngày 19/1, Malaysia đã tiêm được 10.002.472 mũi vaccine tăng cường cho khoảng 40% dân số trưởng thành. Dự kiến nước này sẽ đạt mục tiêu 80% dân số được tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 2 tới. Theo Tiến sĩ Mahesh, gần 50% số người được tiêm mũi tăng cường là những người đã tiêm các mũi vaccince kết hợp của Sinovac và Pfizer. Tính đến thời điểm hiện tại, 78,7% dân số Malaysia đã hoàn thành các mũi cơ bản của vaccine ngừa COVID-19.
Hiện có nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng hiệu quả của mũi tiêm tăng cường thứ hai chưa rõ ràng và chính phủ nên trì hoãn thời gian tiêm trong khi đợi những phân tích khoa học. Tuy nhiên, giới chuyên gia Malaysia không ủng hộ quan điểm này, đồng thời cho rằng việc trì hoãn có thể làm chậm quá trình phục hồi và phát triển kháng thể để bảo vệ hệ miễn dịch, đặc biệt là những người có nguy cơ cao và bệnh lý nền.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, Tiến sĩ Tharmaseelan cho rằng việc tiêm mũi tăng cường là hoàn toàn hợp lý vì chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của tất cả các nước. Theo ông, bất kỳ loại vaccine nào cũng đều có phản ứng phụ, tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch và sức khỏe của mỗi người. Trên thực tế, một số người còn có phản ứng phụ với cả những loại thuốc thông thường.