Trong khi nhiều người trong giới trẻ Trung Quốc tiêu xài phung phí mặc dù chưa thể tự kiếm ra tiền, một bộ phận giới trẻ khác gồm nhiều sinh viên đại học lại chọn cho mình một lối sống tiết kiệm hợp lý.
Một trong những cách giảm thiểu chi phí đó là mua bán trên mạng Internet. Thông thường, mua hàng trên mạng sẽ được giảm giá rất nhiều và do đó hình thức mua sắm này thu hút được sự chú ý của đông đảo các bạn sinh viên.
Li Jing, sinh viên trường Đại học khoa học chính trị Trung Quốc ở Bắc Kinh, là một ví dụ điển hình. Cô cho biết, thường mua vé xem phim trên mạng. Gầy đây, cô mua hai vé xem phim với giá 40 nhân dân tệ và được khuyến mại một túi bỏng ngô. Trong khi đó, nếu mua vé xem phim ở ngoài rạp vào giờ cao điểm có thể phải mất tới 80 nhân dân tệ/vé. Li cũng thường tìm mua mỹ phẩm cao cấp trên nhiều trang web. Cô giải thích: "Các cửa hàng trên mạng thường mua hàng trực tiếp từ các nhà bán lẻ ở nước ngoài nên giá thường chỉ bằng 70% so với giá tại trung tâm mua sắm". Mặc dù mua hàng trên mạng có thể tiết kiệm được kha khá tiền nhưng Li cho biết, cô suy nghĩ rất cẩn thận trước khi mua hàng trên mạng vì nhiều cửa hàng trực tuyến bán hàng thật giả lẫn lộn.
Đến đây, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao các bạn sinh viên không kiếm thêm tiền tiêu bằng cách đi làm các công việc bán thời gian. Câu hỏi này được cô Guo Jingna, giáo viên trường Đại học thông tin Trung Quốc trả lời. Cô cho biết, sinh viên đại học Trung Quốc phần lớn không thể vừa học vừa làm để kiếm thêm tiền vì lịch học của họ dầy đặc. Do đó, phần lớn họ vẫn cần bố mẹ hỗ trợ tài chính. Sinh viên sinh từ những năm cuối của thập kỷ 1980 và những năm 1990 chủ yếu phụ thuộc vào "lương tháng" lĩnh từ bố mẹ. Do đó, đối với họ, tiết kiệm tiền bạc là một mục đích tốt đẹp và để đạt được điều đó, họ sử dụng một công cụ hữu dụng là Internet.
Ngoài mua hàng trên mạng, một hình thức tiết kiệm khác phổ biến trong sinh viên Trung Quốc đó là săn hàng giảm giá. Tại Bắc Kinh, các sinh viên thường lựa chọn thẻ VELO - một lựa chọn lý tưởng để tiết kiệm tiền. Thẻ VELO là một chiếc thẻ nhựa có kích thước nhỏ hơn thẻ tín dụng, dùng để mua các phiếu mua hàng giảm giá từ máy bán tự động được đặt trên các phố. Các máy này cung cấp đủ loại phiếu giảm giá từ phiếu ăn cho đến phiếu mua hàng.
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời Ding Jiawei, một sinh viên trường Đại học nhân dân Trung Quốc, cho biết, đã 2 năm nay cậu chuyên dùng thẻ VELO để mua phiếu giảm giá khi đi ăn uống, giải trí với bè bạn. Theo Ding, thẻ này rất thuận tiện vì các máy bán phiếu giảm giá được đặt ở nhiều vị trí dễ tìm ở khu mua sắm lớn và có bán phiếu từ các cửa hàng bán đồ ăn nhanh như KFC hay nhà hàng Kungfu. Máy VELO còn cung cấp thông tin về các sản phẩm dùng thử miễn phí, quà tặng từ nhà bán lẻ. Khách hàng có thể dùng thẻ VELO để lấy phiếu "rinh" về các quà tặng này.
Tuy nhiên, những dịch vụ tiện ích như thế chỉ có ở thành phố lớn. Đối với các sinh viên ở tỉnh lẻ, họ có cách giảm chi phí sinh hoạt riêng của mình. Cao Zuyang, một sinh viên trường Đại học khoa học và công nghệ điện tử ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên), thường tìm mua hàng giảm giá trên mạng và mua hàng tập thể với bạn bè để giảm chi phí giao hàng. Có lần, Cao muốn mua một lò điện từ đang được giảm giá trên mạng. Cậu rủ 5 bạn cùng phòng ký túc xá góp tiền mua. Mỗi người chỉ cần góp 25 nhân dân tệ là họ có một chiếc lò để dùng chung. Cao tâm sự rằng cách này giúp cậu sống một cách tiết kiệm. Cậu còn cho biết thêm, các sinh viên trường cậu thường tìm người mua chung hoặc dùng chung đồ tại các bảng tin của trường.
Du lịch cũng là một nhu cầu cần thiết của sinh viên nhưng không phải ai cũng có đủ tiền trang trải mọi chi phí cho một chuyến đi. Nhiều sinh viên tiết kiệm bằng cách đến các thành phố mà họ có bạn bè sống ở đó. Ge Rui, một sinh viên Đại học công nghệ ở tỉnh Hồ Bắc, từng đi du lịch ở rất nhiều thành phố. Ở mỗi thành phố, cậu đều có bạn bè làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí và mời cậu ở cùng. Nhờ đó, Ge tiết kiệm được nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Khi du lịch, Ge mua sắm ít và dành thời gian để mở rộng hiểu biết. Ngược lại, nhiều bạn bè của Ge ở các thành phố khác cũng đến Hồ Bắc chơi và ở cùng cậu.
Thùy Dương