Các quan chức này cũng yêu cầu Kazakhstan tuân thủ lệnh cấm vận liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Điện Kremlin đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo của mình tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách thành lập các công ty vỏ bọc hoặc bên trung gian ở các nước thứ ba", Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg nói tại cuộc họp báo ở thủ đô Astana.
“Các công ty vỏ bọc này có những hành vi đáng ngờ như được thành lập rất gần đây để vận chuyển hàng hóa quan trọng đến Nga, không có địa chỉ thực hoặc sử dụng các phương thức thanh toán bất thường như mua hàng bằng tiền mặt lớn cũng như thanh toán qua các quốc gia khác”, bà Rosenberg cho biết.
Theo bà Rozenberg, Mỹ và các đồng minh đã phát động một nỗ lực toàn cầu để xử lý hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt. Bà Rosenberg lưu ý nếu các công ty Kazakhstan tham gia vào các kế hoạch này, họ và cả Kazakhstan có nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp.
Bà Rosenberg đã đến Astana cùng với Thứ trưởng Thương mại Mỹ Matthew Axelrod và đại diện Bộ Ngoại giao Anh David Reed, để thảo luận về việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga.
Theo các phái viên phương Tây, Mỹ và Anh muốn hợp tác với Kazakhstan để ngăn chặn việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho Moskva.
"Các công ty Kazakhstan có thể duy trì quan hệ với các thị trường quan trọng nhất thế giới, hoặc họ có thể là những bên tham gia tích cực vào chiến dịch quân sự của Nga bằng cách tạo điều kiện hoặc làm ngơ trước việc cung cấp hàng hóa đến nơi đang có xung đột”, bà Rosenberg nói nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Axelrod cho rằng lệnh cấm vận của phương Tây đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự và mua sắm vũ khí của Nga, trong khi ông Reed trích dẫn thông tin thương mại cho biết Kazakhstan đang xuất khẩu hàng hóa bị Anh trừng phạt sang Nga.
Mỹ và các đồng minh đang thúc đẩy lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga. Với một số quốc gia không tham gia lệnh cấm vận, phương Tây đã cử các quan chức đến thăm và gây áp lực buộc họ phải tuân thủ, nếu không sẽ bị trừng phạt thứ cấp.
Trong khi đó, Washington và các thành viên NATO cũng đã gửi cho Kiev vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá hơn 100 tỷ USD - bao gồm cả xe tăng và máy bay chiến đấu - trong hơn 1 năm qua.