Trong một thông báo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ việc Mỹ áp đặt trừng phạt ngân hàng Evrofinance Mosnarbank cho thấy Washington sẽ hành động chống lại các thể chế tài chính nước ngoài ủng hộ chính phủ của Tổng thống Maduro. Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank được thành lập vào năm 2011, do các ngân hàng lớn ở Nga sở hữu 50% cổ phần và Quỹ Phát triển quốc gia của Venezuela sở hữu 49% cổ phần.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự xưng là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Chính quyền Mỹ đã công nhận ông Guaido, cho phép ông này kiểm soát các tài khoản ngân hàng của Venezuela tại Mỹ và áp đặt các trừng phạt đối với PDVSA.
Washington không loại trừ khả năng áp đặt "các trừng phạt cấp hai", tức là nhằm vào các công ty nước ngoài hoặc các nhà nước khác làm ăn với chính phủ của ông Maduro. Ngày 5/3,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định gia hạn 1 năm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với tình hình chính trị tại Venezuela, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của chính phủ nước này.
Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống hợp hiến Maduro.