Mỹ bãi bỏ tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 vào tháng 5 tới

Ngày 30/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ bãi bỏ các tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 tại nước này vào ngày 11/5 tới, gần 3 năm sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp phòng dịch trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Worcester, bang Massachusetts, Mỹ ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2020, chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 (PHE). Tổng thống đương nhiệm Biden đã nhiều lần gia hạn các biện pháp này, qua đó hàng triệu người dân Mỹ được cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 cũng như được tiêm phòng và điều trị miễn phí. 

Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà Trắng nêu rõ các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia và PHE dự kiến hết hiệu lực trong tháng 2 tới sẽ được gia hạn một lần nữa đến ngày 11/5 và sau đó sẽ được bãi bỏ. Quyết định này phù hợp với các cam kết trước đây của chính quyền Mỹ, theo đó sẽ thông báo tối thiểu 60 ngày trước khi tuyên bố chấm dứt PHE. 

Căn cứ tuyên bố PHE, chính phủ đã chi ngân sách cho việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như một số xét nghiệm sàng lọc và một số phương pháp điều trị bệnh này. Khi PHE hết hiệu lực, việc chi trả các khoản này sẽ do bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ phụ trách. Chính phủ Mỹ cũng sẽ ngừng thực thi Điều khoản 42 về việc trục xuất trở lại Mexico đối với những người di cư từ Nicaragua, Cuba và Haiti bị bắt giữ do vượt biên giới Mỹ-Mexico.   

Trong một tuyên bố khác, OMB cho biết Tổng thống Biden sẽ phủ quyết một dự luật được đề xuất tại Quốc hội Mỹ về việc xóa bỏ yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc cho một số chương trình liên bang. 

Số liệu cập nhật của Chính phủ Mỹ cho thấy dù vẫn ghi nhận hơn 500 ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19, nhưng số ca mắc mới tại nước này đang có xu hướng giảm. 

* Cùng ngày, Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) thông báo quốc gia Bắc Mỹ này đã ghi nhận tổng cộng 4.550.256 ca mắc và 50.0 ca tử vong vì COVID-19. Trung bình trong vòng 7 ngày tính tới ngày 21/1 vừa qua, số ca mắc mới và tử vong đã tăng tương ứng là 11.029 ca và 229 ca.  

Tuyên bố của PHAC nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng khắp Canada. Chính phủ sẽ xác định hướng hành động tốt nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng như giảm thiểu các tác động đối với sức khỏe và xã hội. Do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đánh giá đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) nên Canada sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh này.  

Cũng theo PHAC, Canada vẫn đang tiếp tục đóng góp và đánh giá dịch tễ học toàn cầu về COVID-19, bao gồm hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao năng lực giải trình tự bộ gene của virus SARS-CoV-2.

Cơ quan này nhận định thêm rằng khi dịch bệnh vẫn lây lan và số ca nhập viện vẫn tăng cao ở Canada, các lớp phòng ngừa, bao gồm tiêm vaccine ngừa COVID-19 và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, vẫn là phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng cũng như giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Minh Tâm  (TTXVN)
WHO duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với đại dịch COVID-19
WHO duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất của WHO. WHO đánh giá đại dịch COVID-19 có thể đang trong thời điểm chuyển tiếp, cần được theo dõi cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN