Theo tờ Asia Times, sau nhiều lần tuyên bố rằng Nga sẽ không còn là cường quốc sau cuộc chiến tranh Ukraine, lúc này Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu của ông đang tập trung vào việc kiểm soát thiệt hại, cảnh báo Ukraine rằng nước này có thể phải hy sinh lãnh thổ để đạt được ngừng bắn.
Phát biểu tại buổi gây quỹ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ hôm 10/6 ở Los Angeles, ông Biden cho rằng Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã không chú ý đến những cảnh báo của Mỹ về một cuộc dấy binh từ Nga.
“Không có gì như thế này từng xảy ra kể từ Thế chiến thứ hai. Tôi biết nhiều người đã nghĩ rằng tôi có thể phóng đại, nhưng tôi biết – và chúng tôi có dữ liệu để căn cứ - ông ấy sẽ phải lùi biên giới. Không có gì nghi ngờ. Nhưng Zelensky không muốn nghe điều đó, và nhiều người cũng vậy”, ông Biden phát biểu.
Đó là một sự thay đổi trong quan điểm của Washington, so với những gì được đưa ra hôm 25/4. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó tuyên bố tại Kiev rằng Mỹ muốn phá hủy năng lực của Nga khi tiến hành cuộc chiến trên quy mô này: “Chúng tôi muốn thấy nước Nga suy yếu đến mức không thể làm được những điều mà họ đã làm khi gây chiến với Ukraine. Vì họ đã mất rất nhiều năng lực quân sự. Và, nói thật là, nhiều binh sĩ. Chúng tôi muốn thấy họ không có khả năng tái tạo nhanh năng lực đó”.
Một tháng trước đó, ông Biden còn đăng trên Twitter: “Nền kinh tế [Nga] đang trên đà suy giảm một nửa. Nó được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới trước cuộc xâm lược này, và sắp tới, nó thậm chí sẽ không còn đứng trong top 20”.
Nhưng tới cuối tháng 5, pháo binh Nga đã bắt đầu áp chế lực lượng Ukraine ở Donbass, đe dọa bẫy các lực lượng này trong một “chiếc túi” xung quanh thành phố Severodonetsk. Giờ đây tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Các nhà quan sát Lầu Năm Góc lưu ý rằng người Nga đã học được cách điều phối pháo binh, bộ binh, thiết giáp và không quân, trong khi Ukraine bắt đầu mất 100-200 quân mỗi ngày.
Dấu hiệu đầu tiên của việc Washington chuyển hướng sang kiểm soát thiệt hại xuất hiện vào ngày 8/6 trong một bài báo của tờ New York Times, dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ phàn nàn rằng “các cơ quan tình báo Mỹ có ít thông tin hơn họ muốn về các hoạt động của Ukraine và sở hữu một bức tranh rõ hơn nhiều về quân đội Nga, các chiến dịch đã lên kế hoạch, và những thành công cũng như thất bại của nước này”.
Điều đó thật khó tin, nhưng không phải là không thể. Mỹ có các hình ảnh vệ tinh tiết lộ mọi chi tiết của hoạt động trên mặt đất, chưa kể 150 cố vấn có mặt ở Ukraine từ tháng 1, nhưng vẫn không đánh giá được tình hình trên thực địa của Ukraine.
Cựu quan chức CIA cấp cao, Beth Sanner, nói với tờ NYT: “Chúng ta thực sự biết được bao nhiêu về những gì Ukraine đang làm? Liệu bạn có thể tìm được một người tự tin nói cho mình biết Ukraine đã mất bao nhiêu quân, Ukraine mất bao nhiêu thiết bị không?”. Ông Sanner, trước đây là Phó giám đốc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nói thêm: “Chúng tôi không nói về việc liệu Ukraine có thể đánh bại họ hay không. Và đối với tôi, tôi cảm thấy rằng chúng ta đang chuẩn bị cho một thất bại thông tin khác bằng cách không nói về điều đó một cách công khai. "
Cảnh báo của Sanner về một "thất bại thông tin" có nghĩa là thất bại đã xảy ra và các cơ quan tình báo Mỹ có thể sẽ đổ lỗi cho người Ukraine - như ông Biden đã làm vậy ở Los Angeles hai ngày sau đó.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, Henry Kissinger hôm 23/5 phát biểu với Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng “chuyển động hướng tới các cuộc đàm phán và thương lượng về hòa bình cần phải bắt đầu trong 2 tháng tới để kết quả của cuộc chiến được vạch ra trước khi nó có thể tạo ra những biến động và căng thẳng khó khăn hơn bao giờ hết để khắc phục, đặc biệt là giữa mối quan hệ của Nga, Gruzia và Ukraine với châu Âu. Lý tưởng nhất là đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đó”.
Cụm từ “nguyên trạng trước đó” ngụ ý việc khôi phục biên giới Ukraine như trước khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2, đồng nghĩa Ukraine sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người có lập trường “diều hâu” đối với Nga, đã đưa ra các điều kiện cho hòa bình vào ngày 12/6 trong một cuộc họp báo với Tổng thống Phần Lan: “Hòa bình là có thể ở Ukraine. Câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả bao nhiêu cho nền hòa bình này. Bạn sẵn sàng hy sinh đất đai, độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ đến mức nào. Và đó là một vấn đề đạo đức rất nan giải”.
Chính phủ Ukraine đáp lại phát biểu của ông Stoltenberg rằng họ không sẵn sàng nhượng bộ bất kỳ vùng lãnh thổ nào.
Các phương tiện truyền thông Mỹ hiện đã nhắc đến một giải pháp là một thỏa thuận ngừng bắn kiểu Triều Tiên, với đường ranh giới đình chiến giữa Đông và Tây Ukraine, nhưng không có hiệp ước hòa bình.
Một hiệp định đình chiến sẽ cho phép Ukraine phủ nhận rằng họ đã từ bỏ các yêu sách đối với lãnh thổ do Nga nắm giữ. Mặc dù đề xuất này đã được nghiên cứu ở Moskva, nhưng Nga có rất ít động lực để chấp nhận nó khi nước này đang thắng thế trên thực địa.
Trong khi đó, thêm các quốc gia, như Hà Lan và Đan Mạch, phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, vốn được đề xuất như một phản ứng đối với Nga.
Viễn cảnh về sự đảo ngược quan điểm ở Washington và sự thay đổi tình cảm đối với Ukraine ở một số thành viên Liên minh châu Âu khiến chính phủ Đức rơi vào tình thế khó khăn. Trước sức ép của Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholze và Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Chính sách đó hoàn toàn không được ưa chuộng ở Đức: Theo một cuộc thăm dò ngày 5/5, 57% người Đức được hỏi tin rằng việc giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine sẽ dẫn đến việc mở rộng chiến tranh sang các nước khác ở châu Âu, so với 34% người ủng hộ việc giao vũ khí hạng nặng. Ông Scholz dường như đã nhượng bộ trước áp lực của Mỹ trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đúng thời điểm mà chính người Mỹ cũng bắt đầu tỏ sự nghi ngờ.
Các cuộc giao tranh kéo dài nhiều tuần tới sẽ cho chính phủ Ukraine một cách nhìn khác. Theo ước tính của quân đội Mỹ, Ukraine đã phải gánh chịu tới 70.000 thương vong (10.000 người thiệt mạng, 40.000-50.000 người bị thương và khoảng 10.000 tù nhân). Họ cũng đang cạn kiệt kho đạn cũ của Liên Xô cho vũ khí hạng nặng và không thể di chuyển vũ khí của phương Tây tới mặt trận đủ nhanh khi đối mặt với pháo và tên lửa của Nga - ngay cả có được cung cấp.
Một hiệp định hòa bình đang được mong đợi sâu sắc, nhưng đặc điểm của bất kỳ nền hòa bình nào cũng sẽ làm rõ rằng, chiến tranh là không cần thiết từ khi bắt đầu.