Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Washington hiểu để có thể ngăn chặn bạo lực quay trở lại, cần phải giải quyết một loạt vấn đề và thách thức, bắt đầu từ việc giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza cũng như việc khởi động tiến trình tái thiết. Theo ông, Mỹ sẽ nỗ lực huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực này, cũng như sẽ tự đưa ra các khoản đóng góp đáng kể, dự kiến sẽ được công bố sau trong ngày 25/5. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu rõ Hamas sẽ không được hưởng lợi từ việc hỗ trợ tái thiết.
Ông Blinken cũng thừa nhận sẽ rất khó để Israel và Palestine xây dựng lại lòng tin sau cuộc xung đột ở Gaza và bất ổn ở Bờ Tây. Ông khẳng định "còn rất nhiều khó khăn phía trước để khôi phục hy vọng, tôn trọng và sự tin tưởng" giữa các cộng đồng, song "đã có giải pháp" vì vậy tất cả các bên cần nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình và cải thiện cuộc sống của người dân Israel và Palestine.
Về phần mình, chính quyền Israel cho biết đã lần đầu tiên cho phép vận chuyển nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm dành riêng cho lĩnh vực tư nhân ở Gaza kể từ khi xảy ra cuộc xung đột hôm 10/5. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả nếu Hamas vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Theo kế hoạch, trong chuyến công du Trung Đông lần này, cũng trong ngày 25/5, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng và sẽ tới thăm Cairo (Ai Cập) và Amman (Jordan).
Xung đột giữa Israel và Palestine leo thang từ ngày 10/5 vừa qua, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Căng thẳng bùng phát khi Israel tìm cách trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu dân cư gần Thành cổ ở Jerusalem. Các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza, trong đó có Phong trào Hồi giáo Hamas, đã nã hàng nghìn rocket về phía Israel, trong khi phía Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào Dải Gaza.
Sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ 2h00 ngày 21/5. Ai Cập và Qatar đã đi đầu các nỗ lực của khu vực thúc đẩy đạt được thỏa thuận ngừng bắn này. Hiện các nhà trung gian hòa giải đang thúc đẩy đàm phán với các bên xung đột nhằm kéo dài thỏa thuận ngừng bắn.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Hiệp hội Chế tạo Israel (MAI) thông báo cuộc xung đột này đã khiến các doanh nghiệp Israel thiệt hại tổng cộng 1,2 tỷ NIS (tương đương 369 triệu USD).
Theo MAI, thiệt hại của các doanh nghiệp chủ yếu là gián tiếp, do công nhân phải nghỉ việc để tránh đạn pháo và tên lửa, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Đó còn chưa tính đến các thiệt hại vô hình, chẳng hạn các doanh nghiệp Israel bị mất uy tín trước các đối tác nước ngoài. Thông qua MAI, khoảng 1.500 doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã đề nghị Chính phủ Israel thiết lập một cơ chế chính thức để đền bù cho những thiệt hại này.