Cam kết này được Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Joe Biden chủ trì tuần này.
Phát biểu tại một hội nghị của tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy tổ chức mới đây, ông Kerry cho biết Mỹ sẽ lưu tâm vấn đề môi trường biển để tiếp tục thúc đẩy các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Theo đó, Mỹ cam kết hỗ trợ triển khai các công nghệ cần thiết để nhanh chóng giảm lượng khí thải của ngành vận tải hàng hóa đường biển. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư và ứng dụng rộng rãi các công nghệ này.
Như vậy, Mỹ sẽ cùng với Saudi Arabia là hai quốc gia trên thế giới chính thức cam kết phối hợp với nỗ lực của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ocean Conservancy cho biết ngành vận tải hàng hóa toàn cầu tạo ra 1 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm, tương đương lượng khí thải hằng năm của Đức.
Theo luật sư Jonathan Lewis thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Clean Air Task Force, việc Mỹ cam kết đẩy nhanh các nỗ lực giảm khí thải trong lĩnh vực vận tải biển sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.
Trước đó, tổ chức Ocean Conservancy có trụ sở ở Washington đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden giữ vững mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2035, đồng thời đề xuất giải pháp yêu cầu tất cả tàu thuyền neo đậu tại các cảng ở Mỹ tuân thủ tiêu chuẩn về vận tải sạch, thân thiện với môi trường. Tháng 3 vừa qua, giới chức Liên minh châu Âu và Anh cũng đã gửi một bức thư tới Tổng thống Biden trong đó hối thúc Washington giải quyết vấn đề khí thải của lĩnh vực vận tải biển trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu sắp tới.
Tổng thống Mỹ Biden sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu vào ngày 22-23/4 và được kỳ vọng sẽ đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu. Cuối tháng 1 vừa qua, ông Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trước thềm hội nghị trên, ông Biden dự kiến sẽ công bố mục tiêu tham vọng hơn của Mỹ, theo đó đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005, tương đương 47% so với các mức của năm 2010.