Từ lâu nay, Trung Quốc vẫn xác định việc giành được MES tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một trong những mục tiêu chiến lược rất quan trọng. MES có thể giúp các công ty Trung Quốc tránh bị Mỹ và EU áp thuế chống phá giá đối với hàng hóa giá rẻ trên thị trường. Vì lẽ đó, Mỹ không muốn các công ty Trung Quốc tuồn hàng hóa rẻ tiền vào thị trường mà họ coi là "cạnh tranh không công bằng".
Theo giới chức Mỹ, quyết định trao MES cũng đồng nghĩa với nguy cơ EU sẽ mất đi vũ khí quan trọng trong cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) có xu hướng ngày càng ủng hộ lời đề nghị của Trung Quốc về việc trao MES để đổi lấy nguồn vốn đầu tư. Dự kiến, khoảng đầu tháng 2/2016, EC sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng ủng hộ việc trao MES cho Trung Quốc trong khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne từ lâu vẫn tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Một số nước thành viên EU khác, như Italy, lại phản đối mạnh mẽ.
Trong năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 16 quốc gia Trung Âu và Đông Âu (CEE) vượt 60 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2010. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước CEE đạt 5 tỷ USD.
Shada Islam, Giám đốc chính sách của tổ chức tư vấn Friends of Europe có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cho rằng ngay cả tại thời điểm hiện tại, mặc dù châu Âu còn đang phải tập trung vào những vấn đề như cuộc khủng hoảng nhập cư, nợ công ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), hay cuộc trưng cầu về việc đi hay ở lại EU của Vương quốc Anh, quan hệ Trung Quốc - EU vẫn hết sức được quan tâm. Trung Quốc sẽ giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2016 và sẽ chịu trách nhiệm về chương trình nghị sự sủa G20 về các vấn đề như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và quản trị toàn cầu.