Ngày 24/8, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quyết định trên được đưa ra "theo chỉ đạo của Tổng thống", sau khi đánh giá lại các chương trình viện trợ cho các vùng lãnh thổ Palestine. Quan chức này cho biết số tiền viện trợ trên, vốn được giải ngân cho các chương trình ở Bờ Tây và Gaza, "giờ đây sẽ dành cho các dự án có độ ưu tiên cao ở nơi khác".
Việc này đã "tính đến các thách thức mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt khi viện trợ cho Gaza, nơi phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát, gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân và làm nghiêm trọng thêm tình hình nhân đạo và kinh tế tại vốn đã rất tồi tệ".
Quyết định cắt giảm viện trợ được chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bối cảnh Gaza đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo và làn sóng biểu tình của người Palestine kéo dài từ tháng 3 vừa ở biên giới với Israel, làm hơn 171 người thiệt mạng.
Tháng 1 vừa qua, Mỹ đã thông báo cắt giảm mạnh phần đóng góp của mình cho Cơ quan vì người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). Các quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Palestine (PA) đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Trump thông báo quyết định Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa. Người đứng đầu Phái đoàn Palestine tại Mỹ, Husam Zomlot cho biết: "Sau Jerusalem và UNRWA, đây là một xác nhận nữa về việc Mỹ đã bỏ rơi giải pháp hai nhà nước và hoàn toàn ủng hộ lịch trình chống hòa bình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu".
Ông Zomlot khẳng định: "Coi viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển là vũ khí tống tiền chính trị sẽ không hiệu quả. Chỉ khi chính quyền Mỹ tái cam kết quay lại chính sách lâu này của mình thông qua giải pháp hai nhà nước bên trong đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine, và tôn trọng các nghị quyết và luật pháp quốc tế, thì mới tạo một con đường giải quyết khủng hoảng".