Theo kênh CNBC, Lia Frenchman, người sống ở con phố bị ngập lụt hai lần trong vài năm qua, kể: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng ngập lụt kiểu này trong đời. Khi xảy ra lũ lụt, thật không may, cuối phố của tôi có một chỗ lõm lớn trên đường và nước có thể đọng lại đến một tuần. Và vì vậy, tôi bị mắc kẹt, không thể về nhà”.
Giờ đây, Quinault Indian Nation có kế hoạch di dời toàn bộ thị trấn Taholah, nơi cư dân Frenchman sinh sống, đến một khu vực dốc cao trên đất của bộ lạc. Một thị trấn nhỏ hơn ở phía Bắc Taholah là Queets cũng đang có kế hoạch di dời.
Quinault là một trong ba cộng đồng người Mỹ bản địa nhận được khoản tiền trị giá 25 triệu USD từ Bộ Nội vụ Mỹ để tái định cư do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Nhưng 25 triệu USD đó chỉ là phần tiền nhỏ cần thiết để di dời cả một cộng đồng. Ông Ryan Hendricks, người giám sát công việc xây dựng ngôi làng mới ở nơi cao hơn cho bộ tộc Quinault, ước tính rằng sẽ tốn khoảng 450 triệu USD để xây dựng tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết ở nơi mới. Dù ông hi vọng mọi người sẽ dọn hết về đó sinh sống nhưng ông không thể buộc mọi người phải di dời. Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc các thành viên bộ lạc sẽ mua nhà mới như thế nào.
Frenchman nói: “Nếu tôi muốn chuyển đi, tôi cho rằng mình sẽ chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền mua nhà và một ngôi nhà hoàn toàn mới. Tôi thực sự không biết mình phải làm điều đó như thế nào”.
Các cộng đồng trên khắp Mỹ phải đối mặt với vô số mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu, từ các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng đến mực nước biển dâng. Một nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, gần 650.000 khu vực sẽ thấp hơn mức thủy triều, khiến hơn 108 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường bất động sản Mỹ.
Tuy nhiên, các cộng đồng bị thiệt thòi như các bộ lạc người Mỹ bản địa thường bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì biến đổi khí hậu đe dọa những vùng đất quan trọng đối với bản sắc và sinh kế của bộ lạc. Đó là trường hợp của Quinault, bộ tộc có văn hóa phát triển quanh vị trí gần sông Quinault và Thái Bình Dương.
Ông Bryan Newland, trợ lý bộ trưởng về các vấn đề người da đỏ bản địa tại Bộ Nội vụ Mỹ, cho biết: “Nhu cầu trên khắp Quinault được tính bằng hàng tỷ USD vì chúng tôi thấy nhiều cộng đồng bộ lạc thực sự phải đối mặt với những thách thức từ lũ lụt, xói mòn bờ biển, cháy rừng, hạn hán”.
Cho đến nay, Luật Cơ sở hạ tầng và Đạo luật Giảm lạm phát đã dành hơn 460 triệu USD để giúp các bộ lạc ứng phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Quinault đã thảo luận về khả năng di dời trong gần một thập kỷ, kể từ khi đại dương lần đầu tiên chọc thủng đê chắn sóng của cộng đồng này vào năm 2014, gây ra thiệt hại lớn. Công binh Lục quân Mỹ đã giúp sửa chữa và gia cố đê chắn sóng, nhưng lũ lụt lớn lại khiến ngôi làng ngập lụt vào đầu năm 2021 và 2022.
Một người dân tên là Kaylah Mail sống ngay cạnh dòng sông, trong ngôi nhà mà ông bà mình từng sống, kể: “Tôi cảm thấy như nước sông dâng cao hơn trước, giống như nó tiến thẳng vào bờ và gần như làm xói mòn bờ dọc theo đây”.
Năm 2017, Quinault đã thông qua kế hoạch tổng thể liên quan việc di dời thị trấn Taholah lên một ngọn đồi liền kề nằm ở độ cao 36m so với mực nước biển, nằm ngoài vùng có nguy cơ sóng thần và lũ lụt, nhưng vẫn đủ gần sông để công việc câu cá và chèo thuyền có thể tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống bộ lạc.
Hiện nay, giai đoạn đầu tiên trong quá trình xây dựng ngôi làng này đã gần hoàn tất. Khu đất nơi những ngôi nhà mới sẽ được xây dựng đã được giải phóng mặt bằng và các đội công nhân bận rộn làm việc từ tháng 6.
Ông Hendricks hy vọng rằng trong vòng một thập kỷ, khoảng 75% số nhà mới sẽ được xây dựng và tất cả các cơ quan của chính quyền sẽ được di dời tới nơi mới.
Ngay cả khi việc xây dựng ở ngôi làng tiếp tục diễn ra, vẫn còn một câu hỏi mở là các thành viên cộng đồng Quinault sẽ trả tiền cho việc di chuyển như thế nào.
Mô hình sở hữu nhà ở Taholah khác với hầu hết các nơi ở Mỹ. Tại đây, người dân sở hữu ngôi nhà chứ không phải là mảnh đất xây nhà mà họ thuê từ chính quyền Quinault. Tình huống bất thường này ảnh hưởng đến các loại tiền tài trợ mua lại và tái định cư mà chủ nhà có thể đủ điều kiện nhận.
Bộ lạc Quinault đang xem xét cách mua lại những ngôi nhà ở ngôi làng phía dưới cũng như cân nhắc những nguồn tiền có thể hỗ trợ người dân.
Ngoài khoản tiền cho Quinault, Bộ Nội vụ Mỹ còn cấp thêm hai khoản tiền tái định cư trị giá 25 triệu USD cho làng Newtok và làng bản địa Napakiak, cả hai đều ở Alaska. Cùng với nhau, ba khoản tiền này trở thành các dự án mẫu cho các kế hoạch tương tự trong tương lai.
Quinault hy vọng rằng câu chuyện di dời của họ sẽ không chỉ mang lại cho chính phủ liên bang những bài học quan trọng mà còn giúp chứng minh những mối nguy hiểm mà thế giới phải đối mặt do biến đổi khí hậu.