Mỹ chìa cơ hội cho Trung Quốc để né thuế quan

Chính quyền Tổng thống Trump đang để ngỏ cho Bắc Kinh một cơ hội nữa để thoát khỏi “chiêu” áp thuế 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc, với lời mời mở một vòng đối thoại thương mại mới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ dẫn đầu phía Mỹ đàm phán thương mại với phái đoàn Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo báo Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Stenven Mnuchin ngày 13/9 đã đưa ra đề nghị trên. Chính quyền Tổng thống Trump đã gửi lời mời tới một nhóm các quan chức Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu He đứng đầu. Cuộc đàm phán cấp cao được đề xuất có thể tổ chức tại Washington hoặc Bắc Kinh.

"Hầu hết chúng ta tin rằng nói chuyện sẽ tốt hơn là không nói, và tôi nghĩ Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đàm phán," Lawrence Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết ngày 13/9.

Tuy nhiên, ông Kudlow giải thích không thể cung cấp thêm chi tiết vì Bộ trưởng Mnuchin "là người chủ trì việc này". Phát ngôn viên của Bộ trưởng Mnuchin từ chối bình luận về thông tin trên.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này hoan nghênh đề xuất của Mỹ về việc tổ chức vòng đàm phán thương mại mới nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết thêm Washington và Bắc Kinh thường xuyên đối thoại về các vấn đề thương mại, đồng thời thông báo hai bên đang thảo luận một số chi tiết liên quan đến cuộc đàm phán sắp tới. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ không có lợi cho bất cứ bên nào.

Những người ủng hộ chiến lược thương mại Trung Quốc của chính quyền Trump cho rằng không nên quá kỳ vọng vào tính đột phá của lời mời. Họ giải thích các cuộc đàm phán sẽ không có khả năng làm dỡ bỏ lệnh áp thuế trên 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, vì đang có sự chia rẽ trong ban cố vấn của Tổng thống Trump về lối tiếp cận Bắc Kinh.

Một bên là trường phái diều hâu, dẫn đầu là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro. Họ cho rằng nên áp đặt thêm các chính sách thuế đối với mặt hàng Bắc Kinh, và tin rằng việc mời đàm phán chỉ đẩy Mỹ vào vị trí đàm phán yếu thế hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin và đồng minh của ông, Kudlow lại có quan điểm ngược lại. Họ tìm cách xoa dịu rạn nứt thương mại. Họ cho rằng Bắc Kinh có thể nhượng bộ, đặc biệt khi đội ngũ phụ trách thương mại đang tìm kiếm những thỏa thuận mới với các đối tác EU.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang hồi tháng 3 vừa qua sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ áp thuế nhập khẩu với mặt hàng nhôm và thép. Kể từ đó, Washington và Bắc Kinh đã tiến hành một số đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau, trong khi các cuộc tham vấn thương mại song phương đều không đạt kết quả.

Đầu tháng trước, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu ông xem xét nâng mức thuế từ 10-20% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Hôm 7/9, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng áp đặt các mức thuế bổ sung đối với các sản phẩm khác của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump: Mỹ không chịu sức ép phải đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Trump: Mỹ không chịu sức ép phải đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/9 tuyên bố Washington không chịu sức ép nào về việc có được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, một ngày sau khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ đề nghị Trung Quốc tái khởi động các cuộc đàm phán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN