Theo chương trình “60 Minutes” của kênh CBS News được phát sóng vào cuối tuần qua, để giải quyết cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ do Houthi ở Yemen gây ra, cho đến nay, Hải quân Mỹ đã bắn khoảng 100 tên lửa đất đối không Standard mà mỗi tên lửa có thể có giá tới 4 triệu USD. Như vậy, với 100 tên lửa, Mỹ có thể đã tốn khoảng 400 triệu USD.
Thông tin trên CBS News không xác định loại tên lửa Standard (SM) cụ thể mà lực lượng Hải quân Mỹ đang sử dụng, cũng không cung cấp thông tin chi tiết về biến thể của 100 tên lửa trên.
Các thông tin trước đây và các bằng chứng khác cho thấy các tàu chiến Mỹ đã bắn loại SM-2 và SM-6 vào để ngăn chặn các mối đe dọa từ Houthi. Theo tài liệu ngân sách của Hải quân Mỹ, các biến thể SM-2 Block IIIC và SM-6 Block IA mới nhất có giá lần lượt khoảng 2 triệu USD và 4 triệu USD. Giá mỗi chiếc SM-6 Block IA phù hợp với mức giá được đề cập trong chương trình của CBS News.
Các biến thể SM-2 là tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa, cũng có thể tấn công trên bề mặt. Trong khi đó, SM-6 là loại vũ khí đa năng có tầm bắn xa hơn và có khả năng cao hơn. SM-6 có thể đánh chặn tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối, cũng như có khả năng tấn công tàu và mục tiêu trên bờ. Quân đội Mỹ cũng cho biết các biến thể SM-6 là khả năng phòng thủ duy nhất hiện nay cho các tàu chiến Mỹ trước các mối đe dọa siêu vượt âm có tính cơ động cao.
Khả năng chống tên lửa đạn đạo trên tàu đã trở thành chủ đề thảo luận mới khi đối phó với Houthi. Houthi đã trở thành lực lượng đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm.
Phó Đô đốc Hải quân Brad Cooper, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu có một vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm, tên lửa đạn đạo này sẽ di chuyển với tốc độ khoảng Mach 5, khoảng 4.800km một giờ. Nếu nó đang tiến về phía mình, thuyền trưởng tàu khu trục chỉ có khoảng 9 đến 15 giây để đưa ra quyết định bắn hạ. Việc này rất căng thẳng”.
Video tên lửa đất đối không của Houthi lao trúng vào máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ (nguồn: Houthi):
Houthi cũng đã phóng xen kẽ các tên lửa đạn đạo chống hạm với tên lửa hành trình và máy bay không người lái, làm phức tạp thêm toàn bộ bức tranh trên Biển Đỏ. Houthi còn dùng cả các tàu mặt nước không người lái (USV) chứa đầy chất nổ. CENTCOM cho biết các lực lượng Mỹ gần đây đã phá hủy một phương tiện dưới nước không người lái (UUV) của Houthi và đây là một mối đe dọa nữa trong cuộc chiến.
Một tàu khu trục khác của Mỹ cũng đã dùng một khẩu pháo phòng thủ được gọi là CIWS (Hệ thống vũ khí cận chiến Mark 15 Phalanx) để bắn hạ một tên lửa hành trình của Houthi ở cự ly 1,6km và đang lao tới rất nhanh.
Phalanx thường được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng và vẫn chưa biết làm thế nào mà vũ khí của Houthi lại có thể đến gần tàu khu trục Mỹ đến vậy trước khi bị bắn hạ.
Theo tuyên bố từ CENTCOM, kể từ ngày 19/10/2023, các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ đã bắn hạ ít nhất 21 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Houthi cùng 67 máy bay không người lái. Chỉ riêng tàu USS Carney đã thực hiện ít nhất 43 vụ đánh chặn. Máy bay Mỹ cũng như tàu chiến nước ngoài đã bắn hạ thêm các vũ khí của Houthi.
Dù vậy, quân đội Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác trong và xung quanh Biển Đỏ đã không thể ngăn chặn 100% các mối đe dọa từ Houthi. Thiệt hại đối với tàu chở hàng Rubymar sau cuộc tấn công ngày 19/2 nghiêm trọng đến mức thủy thủ đoàn buộc phải rời tàu.
Tư lệnh Hải quân Justin Smith, chỉ huy tàu USS Mason, nói về thông tin gần đây trên Biển Đỏ: “Các hệ thống vũ khí trên tàu ở đây và đặc biệt là tên lửa Standard là những vũ khí đắt tiền. Chúng ta đang sử dụng chúng để bắn hạ máy bay không người lái trị giá 10.000 USD. Điều đó có đáng không?”.
Mức giá của những máy bay không người lái cũng như các loại tên lửa mà Houthi đang sử dụng có thể chỉ bằng một phần nhỏ mức giá của các biến thể Tên lửa Standard. Dù vậy, mạng sống của hàng trăm người trên các tàu trị giá hàng tỷ USD ở Biển Đỏ là vô giá.
Ông Smith nói: “Tôi không nghĩ ta có thể định giá cho sự an toàn và việc bảo vệ các thủy thủ của chúng ta trên tàu”.
Cuộc tấn công của Houthi vào Rubymar cho thấy cái giá phải trả khi không ngăn chặn được các mối đe dọa của Houthi.
Ngày 19/2, người phát ngôn Houthi, ông Yahya Saree cho biết: “Con tàu bị hư hỏng nghiêm trọng, dẫn đến phải dừng hoạt động hoàn toàn… Tàu này hiện có nguy cơ bị chìm ở Vịnh Aden”. Houthi coi đây là vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng nhất cho một con tàu từ trước tới nay.
Ông Charles Myers, Chủ tịch công ty tư vấn Signum Global Advisors, nhận định với CNBC ngày 20/2: “Tôi nghĩ thật không may, chúng ta cần phải chuẩn bị cho tình trạng leo thang nhiều hơn trên hai mặt trận. Houthi đang tỏ ra hiệu quả hơn nhiều trong làm gián đoạn thương mại hàng hải quốc tế. Và phản ứng quân sự từ Mỹ và Anh cho đến nay vẫn không làm giảm các đợt tấn công. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phản ứng quân sự lớn hơn nhiều từ Mỹ và Anh trong vài ngày tới để cố gắng tận dụng nhiều hơn những khả năng này”.