Mỹ đau đầu chọn người đứng đầu WB

Chính quyền Mỹ đang đau đầu trước việc lựa chọn ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) - một trong hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới, trong bối cảnh thời hạn chót vào ngày 23/3 đang cận kề.

Nguồn tin thân cận của WB cho biết Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc giữa ba chính khách gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sỹ John Kerry, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice và cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng - cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers. Tuy nhiên, các ứng cử viên này tỏ ra chưa mấy hào hứng với vị trí người đứng đầu WB.

Chủ tịch WB Robert Zoellick sắp từ chức. Nguồn: Internet.


Trong tuyên bố ngày 7/3, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Kerry - người thất bại trước đối thủ là cựu Tổng thống George Busher trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004, cho biết ông không muốn đảm nhiệm vị trí này. Theo giới quan sát, ông Kerry hiện đang hướng tới chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ của bà Hilary Clinton sau khi bà công bố kế hoạch từ nhiệm vào cuối năm nay. Bà Susan Rice cũng được cho là quan tâm tới cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ hơn là điều hành WB.

Trong khi đó, ông Summers nhiều khả năng cũng không được lựa chọn do những quan ngại liên quan vấn đề bằng cấp cũng như cách làm việc được cho là tương đối bảo thủ và cứng nhắc. Ông Summers hiện là giáo sư Kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ). Ông từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton giai đoạn 1999-2001, và là Giám đốc đầu tiên của Hội đồng Kinh tế quốc gia dưới thời Tổng thống Obama.

Mọi sự chú ý cũng đang đổ dồn về nhà kinh tế Jeffrey Sachs - một ứng cử viên tự ứng cử, khi ông cũng đang nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Gioócđani, Malaixia, Timo Lexte, Kênia... Ông Sachs hiện là người đứng đầu Ủy ban Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, Giám đốc Học viện Earth thuộc Đại học Columbia (Mỹ) và là cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Trước đó, ngày 16/2, Chủ tịch WB Robert Zoellick cho biết sẽ từ chức vào ngày 30/6 tới, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm (2007-2012) trên cương vị người đứng đầu tổ chức tài chính lớn của thế giới này. Ông
Zoellick từng là Thứ trưởng Ngoại giao và Đại diện Thương mại Mỹ, lên nắm quyền lãnh đạo WB năm 2007. Công lao của ông được thế giới ghi nhận là các nỗ lực hỗ trợ những người nghèo đói và chuyển đổi cấu trúc chính trị và tài chính của thế giới từ quyền lực tuyệt đối của các nước lớn sang một cấu trúc đa cực, trong đó có vai trò của các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin ngày càng lớn.

Theo quy định, 187 thành viên của WB sẽ bầu chọn người lên thay ông Zoellick. Tuy nhiên, theo "luật bất thành văn" từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, người đứng đầu WB đều là một công dân Mỹ.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN