Cuối tuần qua, đại diện Chính phủ Nhật Bản cho biết các quan chức quốc gia này sẽ đến Washington dự sự kiện về đề xuất này. Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định đây còn có thể là chương trình nghị sự mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sẽ đưa ra thảo luận trong chuyến thăm Tokyo vào tuần tới.
Quyết định gia nhập liên quân trên biển dường như sẽ châm ngòi chia rẽ trong ý kiến công chúng Nhật Bản về việc cử binh sĩ ra nước ngoài. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chưa từng chiến đấu ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 4 trên thế giới. Có tới 86% lượng dầu cung cấp cho Nhật Bản trong năm 2018 đi qua Eo biển Hormuz. Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi trên hải trình rời Vịnh Oman. Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công nhưng Tehran đã bác bỏ.
Thủ tướng Abe cũng chủ trương duy trì, tăng cường quan hệ an ninh Mỹ-Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản cũng có mối quan hệ hữu nghị với Iran do vậy có thể lưỡng lự khi nhận đề nghị tham gia liên minh quân sự của Mỹ. Trong tháng 6, Thủ tướng Abe đã đến Tehran và gặp gỡ lãnh đạo Iran, một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Năm 2015, Nhật Bản ban hành đạo luật tạo điều kiện để lực lượng phòng vệ tham chiến ở nước ngoài. Đạo luật “bật đèn xanh” để lực lượng phòng vệ Nhật Bản bảo vệ cho một quốc gia khác đang bị tấn công với điều kiện Tokyo cảm thấy có mối đe dọa trực tiếp. Trong trường hợp Chính phủ Nhật Bản cho rằng tình thế có thể dẫn tới tấn công trực diện vào nước này thì giải pháp là đề nghị hỗ trợ hậu cần với lực lượng liên quân.
Các đảng đối lập đã phản đối đạo luật trên và cho rằng nó vi phạm hiến pháp đồng thời có thể đẩy Nhật Bản vào các cuộc xung đột của Mỹ. Do vậy, viễn cảnh Nhật Bản tham gia liên quân trên biển của Mỹ, chắc chắn sẽ gây ra tranh luận dữ dội trong nội bộ quốc gia này.
Reuters phỏng vấn các chuyên gia và rút ra được giải pháp hợp lý nhất cho Nhật Bản đó là tham gia liên quân dựa trên luật chống cướp biển, trong điều kiện đối phương không phải là một quốc gia. Nhật Bản hiện góp sức trong sứ mệnh đa phương ngoài khơi Somalia và Vịnh Aden để chống cướp biển.