Trước tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo Ixraen “không cần phải thông báo trước cho Mỹ về một cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran”, ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng nói rằng trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng cuối tuần này, ông sẽ chính thức đề nghị Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu tạm trì hoãn mọi kế hoạch tấn công quân sự vào Iran.
Lý do Tổng thống Mỹ đưa ra là “hãy chờ thêm một thời gian” với hy vọng các đòn trừng phạt kinh tế hiện đang áp đặt có thể đẩy giới lãnh đạo Iran tới chỗ phải tự từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn tạp chí “The Atlantic” ngày 2/3 cho biết Tổng thống Obama nêu rõ mọi phương án đối với Iran đều "đã sẵn sàng", nhưng giải pháp quân sự là sau cùng. Theo ông Obama, cả Chính phủ Ixraen và Chính phủ Iran đều hiểu rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, trong trường hợp cần thiết, cụ thể nếu Iran vượt qua ranh giới cho phép, Mỹ sẽ tấn công triệt phá mọi cơ sở hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Tổng thống Mỹ khẳng định với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, chính quyền Iran đang vật lộn với tình hình khó khăn của đất nước và thực tế đó có thể buộc Têhêran phải thay đổi chính sách liên quan tới chương trình hạt nhân.
Theo ông Obama, mọi phương án đối với Iran đều "đã sẵn sàng", nhưng giải pháp quân sự là sau cùng. Ảnh: Internet. |
Phát biểu trên đây của ông Obama được đưa ra sau khi báo chí Mỹ có nhiều bài viết cảnh báo một cuộc tấn công quân sự của Mỹ hoặc của Ixaen vào các mục tiêu ở Iran có thể dẫn tới những hậu quả vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Chiến tranh xảy ra sẽ đẩy giá dầu leo thang và do vậy sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế của Mỹ. Chiến tranh xảy ra, Iran bị dồn vào chân tường, có thể sẽ có những hành động trả đũa ồ ạt nhằm vào các mục tiêu và lợi ích của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong toàn khu vực Trung Đông. Một lý do nữa, báo “Bưu điện Oasinhtơn” ngày 1/3 dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết Ixraen có đủ khả năng tấn công hủy diệt các cơ sở hạt nhân kiên cố nằm sâu trong lòng đất của Iran, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ thì chiến dịch không kích của Ixraen sẽ không thể kéo dài và do vậy hiệu quả sẽ không triệt để. Mỹ hiện có các loại bom có sức công phá khủng khiếp như BLU-122 nặng hơn 2.000 kg có thể xuyên qua 10 mét bê tông cốt thép nằm sâu khoảng 30 mét dưới lòng đất rồi mới phát nổ.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trước báo giới tại Canađa ngày 2/3, Thủ tướng Netanyahu cảnh báo sẽ không đặt ra "các giới hạn đỏ" cho hành động quân sự đối với Iran, khẳng định ông muốn bảo lưu quyền tự do hành động của Nhà nước Do Thái.
Thủ tướng Ixraen đến Canađa trước khi có các cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ vào ngày 4/3 với nội dung dự kiến tập trung vào việc ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Ngay sau khi tới Ottawa, ông Netanyahu đã gặp người đồng cấp nước chủ nhà Stephen Harper. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, người đứng đầu chính quyền Ten Avíp đã nêu các yêu cầu của Ixraen đối với Iran: gồm dỡ bỏ cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Qom, ngừng làm giàu urani và từ bỏ tất cả số nguyên liệu đã được làm giàu vượt quá lượng cần thiết để cho phép Têhêran sản xuất đồng vị y tế hay điện hạt nhân. Về phần mình, Thủ tướng Harper khẳng định muốn thấy "một giải pháp hòa bình" cho vấn đề hạt nhân của Iran.
TTXVN/Tin Tức